Trải nghiệm RTX 3070 Ti: Liệu Nvidia sẽ khai tử RTX 3070?

Trong bài này mình lại trải nghiệm chiếc card đồ họa mới nhất của Nvidia là GeForce RTX 3070 Ti, phiên bản Founders Edition. Dòng RTX 3070 Ti đã lên kệ từ hồi tháng 5, giá bán thì dễ chịu hơn nhiều so với RTX 3080 và hiệu năng được cho tốt hơn so với RTX 3070. Các phiên bản custom của dòng RTX 3070 Ti có giá từ 17 triệu đồng đến 30 triệu đồng tùy phiên bản và thương hiệu.

Thiết kế của RTX 3070 Ti FE


tinhte_rtx3070ti-4.jpg


Phiên bản RTX 3070 Ti FE lai giữa RTX 3080 và RTX 3070, vẫn là thiết kế 2 quạt một quạt hút một quạt đẩy theo thiết lập push & pull nhưng 2 quạt ở 2 mặt giống như RTX 3080 trong khi đó về kích thước, phần viền kim loại chữ S thì tương tự như RTX 3070.


tinhte_rtx3070ti-5.jpg


Nvidia thiết kế vỏ nhôm cho FE, backplate nhôm cũng góp phần tăng hiệu quả tản nhiệt. Một phần của backplate được khoét để luồng gió từ quạt ở mặt kia có thể thổi qua và đi lên phía trên card khi gắn ở vị trí ngang vuông góc với bo mạch chủ thông thường.


tinhte_rtx3070ti-7.jpg


Cổng nguồn trên card là loại 12-pin MicroFit, đây là thiết kế mà dường như chỉ có Nvidia dùng với dòng card FE này. Các phiên bản custom của các OEM thì chúng vẫn được trang bị cổng nguồn ATX thông thường với 2 chân 8-pin.


tinhte_rtx3070ti-8.jpg


Cũng giống như RTX 3070 và các phiên bản thấp hơn, Nvidia không trang bị đèn trang trí tại logo hay làm điểm nhấn trên phiên bản FE. Nếu anh em thích đèn đóm và thiết kế cá tính hơn thì nên chọn các phiên bản custom.


tinhte_rtx3070ti-9.jpg


Cổng trình xuất trên RTX 3070 Ti gồm 3 cổng DisplayPort 1.4a và 1 cổng HDMI 2.1 hỗ trợ trình xuất 4K@120Hz HDR hay 8K@60Hz HDR.

GA104 biến thể đầy đủ nhất


Sự xuất hiện của RTX 3070 Ti vào thời điểm này thể hiện rõ ý đồ của Nvidia khi muốn cạnh tranh với Radeon RX 6000 series của AMD mà cụ thể hơn là RX 6800 – phiên bản này sớm cho thấy hiệu năng của nó tốt hơn so với RTX 3070 trong khi giá bán rất cạnh tranh. Dòng Ti năm nay cũng tương tự như Super năm ngoái – một giải pháp nhằm tấn công trực tiếp vào những gì AMD đang có, dựa trên lợi thế về sự linh hoạt của SKU.


NVIDIA-Ampere-GA104-400-GPU-Block-Diagram.jpg


Bằng chứng của sự linh hoạt này là RTX 3070 Ti vẫn dùng GPU GA104 – GPU được Nvidia trang bị cho một loạt các phiên bản như RTX 3070/3060Ti cho desktop lẫn GPU cho laptop. Tuy nhiên, biến thể GA104 trên RTX 3070 Ti là GA104-400-A1 – đây cũng là biến thể hoàn chỉnh và đầy đủ nhất của GA104 bởi nó có 48 SM – không bị cắt giảm như RTX 3070 (46 SM) hay RTX 3060 Ti (38 SM). Từ đó số nhân CUDA sẽ đầy đủ 6144 nhân, số nhân Tensor là 192 nhân và số nhân Ray Tracing là 48 nhân. Như hình dưới đây anh em có thể thấy sự cắt giảm này trên GA104-300-A1 của RTX 3070 và GA104-200-A1 của RTX 3060 Ti (các ô khoanh đỏ là số SM bị tắt đi).


GA104 variants.jpg

Anh em dễ dàng hình dung với 1 dòng GPU là GA104, Nvidia đã tung ra một loạt các biến thể khác nhau, đánh vào nhiều phân khúc giá khác nhau. Phải đến RTX 3070 Ti thì chúng ta mới thấy được hiệu năng thật sự của GA104. Không chỉ có số nhân nhiều nhất, GA104 trên RTX 3070 Ti còn có xung nhịp Boost ở 1770 MHz – mức xung cao nhất trong số các biến thể GA104.

Thêm vào đó, có một sự thay đổi đáng kể trên RTX 3070 Ti so với RTX 3070 hay RTX 3060 Ti và cũng là cách để RTX 3070 Ti trở nên khác biệt hơn so với RTX 3070 đó là hệ thống bộ nhớ với GDDR6X 19 Gbps thay vì GDDR6 14 Gbps. Bộ nhớ GDDR6X trước đây chỉ được Nvidia trang bị trên dòng RTX 3080 đổ lên và bộ nhớ này sẽ cho tốc độ lẫn băng thông bộ nhớ cao hơn dù độ rộng bus kết nối giữa bộ nhớ và GPU không đổi – vẫn là 256-bit. Kết quả là RTX 3070 Ti có băng thông bộ nhớ đạt 608 GB/s, cao hơn 35% so với RTX 3070. Dung lượng bộ nhớ VRAM trên RTX 3070 Ti vẫn là 8 GB.

Benchmark RTX 3070 Ti


tinhte_rtx3070ti-1.jpg


Lần này mình test RTX 3070 Ti FE với dàn máy mới chạy Core i9-11900K của Intel, đổi từ Core i9-9900KS thường dùng. Vì vậy, hiệu năng chơi game sẽ có sự chênh lệch nhưng mình nghĩ không quá đáng kể bởi hầu hết game đều là GPU Bound.

  • CPU: Intel Core i9-11900K, 8 nhân 16 luồng, tối đa 5,3 GHz;
  • MOBO: ASUS Z590 ROG Maximus XIII HERO;
  • RAM: 2 x *GB T-Force Xtreem ARGB DDr4-3200 CL14;
  • SSD: T-Force Cardea 1 TB PCIe 4.0 x4 + WD Black AN1200 1 TB PCIe 3.0 x8;
  • PSU: Cougar CMX 850W.


Kiểm tra nhanh hiệu năng của GPU GA104 và hệ thống RAM GDDR6X tốc độ cao trên RTX 3070 Ti, có thể thấy hiệu năng FP32 của RTX 3070 Ti đã cao hơn RTX 3070 gần 16% và FP64 khoảng 8%. Trong khi đó ở mục Memory Copy – bài test đo tốc độ luân chuyển dữ liệu trong hệ thống bộ nhớ, anh em có thể thấy rõ sự khác biệt về băng thông của GDDR6X so với GDDR6, nó chênh lệch đúng 35%.

Với 3DMark kiểm tra hiệu năng đồ họa game DirectX 11 và 12 thì RTX 3070 Ti không cho sự chênh lệch lớn so với RTX 3070 dù có thêm 2 SM. Chẳng hạn như kết quả bài test Fire Strike (DirectX 11) ở FHD, RTX 3070 Ti mạnh hơn RTX 3070 3,35%, ở 2K thì chênh lệch 4,87%, ở 4K thì chênh lệch 7,18%. Tương tự với bài test Time Spy (DirectX 12), hiệu năng của RTX 3070 Ti nhỉnh hơn RTX 3070 là 6,9% ở độ phân giải 2K và 8,17% ở 4K. Như vậy chúng ta có thể hình dung khi chơi những tựa game không Ray Tracing thì RTX 3070 Ti sẽ cho tỉ lệ khung hình tốt hơn đáng kể so với RTX 3070 ở độ phân giải 4K, trong khi đó với 2K hay FHD thì mức chênh lệch không quá nhiều.

Benchmark bằng Port Royal về hiệu năng Ray Tracing thì RTX 3070 Ti mạnh hơn RTX 3070 8,05% với nhiều hơn 2 nhân Ray Tracing so với RTX 3070. Tỉ lệ khung hình với DLSS ON của RTX 3070 Ti là 93 fps ở độ phân giải 2K, chỉ nhỉnh hơn 4 fps so với RTX 3070.

Chơi game ở 2K

Với 2 tựa game AAA có Ray Tracing chất lượng cao mà mình thường test là Control và Metro Exodus, RTX 3070 Ti cho hiệu năng nhỉnh hơn không quá nhiều so với RTX 3070 khi bật tính năng khử răng cưa bằng thuật toán DLSS. Tuy nhiên, nếu tắt DLSS đi thì sức mạnh của RTX 3070 Ti mới lộ rõ nhờ lợi thế của 48 nhân Ray Tracing. Anh em có thể thấy với Control, chơi ở 2K, Ray Tracing chất lượng High mà tắt DLSS thì chỉ RTX 3070 Ti mới có thể cho tỉ lệ khung hình trên 50 fps hay Metro Exodus cho đến 86 fps Nếu anh em chơi game bật Ray Tracing mà không bật DLSS thì đây không phải là thiết lập tối ưu để anh em có được tỉ lệ khung hình cao nhất. Mình thường test ở cả 2 chế độ là bật và tắt DLSS, khi tắt DLSS thì hiệu năng của nhân RT trên GA104 được thể hiện chính xác hơn. Từ đó mình có thể so sánh được với hiệu năng xử lý Ray Tracing của các nhân Ray Accelerator trên Radeon RX 6000 series của AMD.

Với các tựa game thông thường, sức mạnh của RTX 3070 Ti lại thể hiện tùy theo tựa game. Chẳng hạn như với Shadow of the Tom Raider, RTX 3070 Ti cho đến 149 fps với thiết lập đồ họa Highest, chơi ở độ phân giải 2K, cao hơn cả RX 6800 XT. RTX 3070 Ti vẫn mạnh hơn RTX 3070 ở nhiều tựa game nhưng sự chênh lệch về tỉ lệ khung hình không nhiều, RTX 3070 vẫn bám rất sát chẳng hạn như Borderlands 3 ở đồ họa Ultra chỉ thua 2 fps.

Xung cao, ăn điện nhiều hơn

Mình stress test bằng Furmark ở preset 4K, kết quả cho thấy RTX 3070 Ti ăn khoảng 290 W, nhiều hơn 70 W so với RTX 3070 và ít hơn 30 W so với RTX 3080. Mức xung của nó tối đa khi thực hiện bài test này ở 1635 MHz, trong khi đó khi chơi game ở 2K thì xung có thể kéo đến trên 1920 MHz và trung bình ở 1860 MHz. Dĩ nhiên, xung đi với điện và nhiệt, kết quả là RTX 3070 Ti ăn điện nhiều hơn và nhiệt độ cũng là thứ tăng theo tỉ lệ thuận.


RTX 3070 Ti Wolfenstein Youngblood.jpg


Phiên bản RTX 3070 Ti FE khi nghỉ thì chiếc card chỉ ăn tầm 6 W nên nhiệt độ của nó rất mát mẻ, 32 độ C thấp hơn so với mức nhiệt độ khi nghỉ của RTX 3070. Tuy nhiên, khi stress test thì nhiệt có thể lên đến 80 độ C. Thiết kế tản nhiệt push & pull của RTX 3070 Ti FE rất cần airflow trong case tốt. Chiếc case mình dùng là Deepcool CL400 và nó có airflow tốt nhất khi đóng case. Khi mình mở case, nhiệt độ stress test của RTX 3070 Ti FE lên đến 82 độ C, khi đóng case và cho quạt case chạy ở hiệu năng cao thì nhiệt độ của GPU giảm xuống 78 độ C. Với các phiên bản card custom của ASUS, MSI, Gigabyte thì GA104 trên RTX 3070 Ti sẽ mát mẻ hơn bởi cách hãng này luôn trang bị hệ thống tản nhiệt lớn và hiệu năng cao hơn so với phiên bản FE.


RTX 3070 Ti Temp open close case.jpg


Thường thì anh em nghĩ khi mở case thì hệ thống sẽ mát mẻ hơn nhưng không hẳn như vậy. Với card đồ họa dùng thiết kế tản nhiệt open air như đa số các hãng làm card custom, ở vị trí gắn card thông thường là vuông góc với bo mạch chủ thì sẽ hiệu quả hơn nếu anh em mở case bởi luồng nhiệt từ card sẽ có thể giải phóng thẳng ra bên ngoài không gian mở. Tuy nhiên, với thiết kế tản nhiệt của dòng FE, gắn ở vị trí thông thường thì luồng nhiệt nóng sẽ được đưa lên phía trên của card, tức mặt sau của backplate và khu vực CPU. Một luồng khác sẽ được giải phóng ra phía sau card tại vị trí các cổng I/O. Để có thể giải phóng luồng nhiệt này ra khỏi thùng nhanh nhất thì anh em cần đến quạt nóc và quạt sau với airflow lớn. Nếu mở case, không khí bên trong bị mất áp suất, luồng khí nóng từ card sẽ không tập trung mà đi theo nhiều hướng từ đó giảm hiệu quả tản nhiệt của toàn hệ thống.


tinhte_rtx3070ti-3.jpg


Với những gì mình trải nghiệm với RTX 3070 Ti thì hiệu năng của nó vẫn rất tốt, chênh lệch so với RTX 3070 cũng tùy vào tựa game, xung khi chơi game cao hơn và ăn điện hơn so với RTX 3070. RTX 3070 Ti nó vẫn chưa xứng đáng với chữ “Ti” trong tên gọi bởi không có một sự tăng vọt lớn về hiệu năng như thời GTX 1070 Ti và GTX 1070. Nó giống như một con bài về giá của Nvidia, giá ra mắt là 599 đô thì RTX 3070 Ti nằm giữa RX 6800 (579 đô), rẻ hơn RX 6800 XT (649 đô).

Mức giá tại Việt Nam còn thể hiện chiến lược này rõ ràng hơn bởi sau khi đi dạo một vòng thì mình thấy RTX 3070 Ti lại đang có giá tốt hơn và sẵn hàng để mua hơn so với RTX 3070 cũng như RX 6800 hay RX 6700 XT của AMD. Chẳng hạn như phiên bản RTX 3070 Ti có giá thấp nhất là ASUS TUF Gaming RTX 3070 Ti 8 GB GDDR6X với giá 17,3 triệu đồng, dĩ nhiên sẽ bán kèm bộ máy tính chứ không bán lẻ nhưng tính ra vẫn dễ chịu nhất. Các phiên bản cao cấp hơn của dòng RTX 3070 Ti từ 25 đến 30 triệu đồng. Trong khi đó giá của dòng RTX 3070 hiện tại cũng phải từ 20 triệu đồng và trung bình khoảng 23 – 25 triệu đồng. AMD thì mình thấy RX 6800 có vẻ như đã hết hàng, RX 6700 XT thì giá từ 19 triệu cho phiên bản của ASRock.

Mình nghĩ RTX 3070 Ti đang là lựa chọn rất hợp lý cho anh em muốn lắp dàn máy mới và rất có thể, Nvidia sẽ sớm EOL luôn RTX 3070 để thay bằng RTX 3070 Ti, giống như cách mà hãng đã làm với dòng Super của thế hệ RTX 20 series.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/trai-nghiem-rtx-3070-ti-lieu-nvidia-se-khai-tu-rtx-3070.3358439/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *