Trải nghiệm MSI Bravo 15 – chiếc laptop "7nm" với Ryzen 4000 6 nhân, RX 5300M, hiệu năng/giá quá tốt

Nếu anh em là fan cứng của đội đỏ thì MSI Bravo 15 là một chiếc máy dành cho anh em khi mà nó sử dụng CPU Ryzen cùng GPU Radeon đều sản xuất trên tiến trình 7nm mới nhất nhưng mức giá chỉ ở 20 – 21 triệu đồng. Mình đã vừa mượn được chiếc máy này xài thử và chia sẻ thêm với anh em dưới đây. Hiệu năng của con Ryzen 5 4600H chắc chắn sẽ khiến anh em ngạc nhiên.

Trước Bravo 15 thì MSI đã tung ra dòng Alpha 15, Bravo cũng có cả phiên bản 17″ mà mình chưa thấy bán ở Việt Nam. Nhìn chung dòng máy này được MSI xếp riêng, không đơn thuần là một phiên bản khác cấu hình của các dòng máy hiện có, tên gọi khác biệt và ngay cả logo cũng khác: hình phượng hoàng thay vì con rồng xương đặc trực của hãng này.


MSI Bravo 15 (24).jpg


Tuy vậy, thiết kế của Bravo 15 rất quen thuộc và cơ bản nó dùng lại chassis của con GF65 Thin mà trước đây mình có trên tay chia sẻ với anh em. Việc dùng lại chassis của các dòng máy cũ là điều thường thấy đối với các hãng làm laptop bởi nó giúp giảm chi phí R&D cũng như một chassis đã tốt rồi thì không cần phải thay đổi nó làm gì. Vì vậy, Bravo 15 vẫn rất gọn và nhẹ như GF65 Thin, trọng lượng dưới 2 kg, độ dày 2 cm và thiết kế viền màn hình mỏng khiến nó dễ đem theo trong balo.


MSI Bravo 15 (9).jpg


Máy vẫn có 2 mặt nhôm phay ở nắp máy và bệ kê tay. Logo con phượng này cá nhân mình thấy đẹp hơn so với logo rồng của MSI.


MSI Bravo 15 (17).jpg


Bản lề 2 bên đã được MSI thiết kế lại, bền hơn và nó rất mượt, mình có thể mở nắp máy bằng một tay dễ dàng. Góc mở của màn hình cũng khá rộng, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng ở nhiều tư thế.


MSI Bravo 15 (11).jpg


MSI Bravo 15 (10).jpg


Các khe gió ra đặt tại cạnh sau và cạnh trái. Hệ thống tản nhiệt trang bị trên Bravo 15 vẫn là CoolerBoost 5 với 6 ống đồng và 2 quạt tốc độ cao.


MSI Bravo 15 (16).jpg


Đáy cực thoáng với rất nhiều khe lấy gió, 2 loa 2 W đặt ở đáy, nhiều feet cao su để nâng đáy máy lên cao.


MSI Bravo 15 (18).jpg


Hệ thống các cổng kết nối gồm 4 cổng USB 3.2 Gen1 (5 Gbps) gồm 2 cổng USB-C và 2 cổng USB-A, cổng RJ-45 cho mạng LAN, HDMI và jack âm thanh. Tất cả các cổng USB lại được đặt tại cạnh phải nên sẽ khá vướn víu nếu anh em sử dụng chuột có dây.


MSI Bravo 15 (15).jpg


Nội thất của Bravo 15 không nhiều khác biệt so với GF65 Thin, vẫn là màn hình 15,6″ với viền 2 bên mỏng khoảng 7mm, viền trên vẫn dày để chứa webcam và mic. Chất lượng của chiếc màn hình này thì chỉ ở mức chấp nhận được nếu xét ở tầm giá này.


MSI Bravo 15 (21).jpg


Màn hình dùng tấm nền IPS của AUO sản xuất và đây là một tấm nền IPS giá rẻ, độ phân giải FHD và tốc độ quét chỉ 60 Hz. Trên trang của MSI thì mình thấy chỉ có các tùy chọn 120 Hz, 144 Hz, không thấy 60 Hz, có lẽ MSI chọn tấm nền này để giảm chi phí.


MSI Bravo 15 (2).jpg


Tấm nền này có độ bao phủ chỉ 50% dải màu sRGB nên nhìn vào anh em sẽ thấy màu sắc khá nhạt và sai màu nhiều. Màu đỏ nhạt thành cam còn xanh lục lại đậm hơn. Tuy nhiên, màn hình lại có độ tương phản tốt và độ sáng cao thành ra nó vẫn có thể mang lại trải nghiệm giải trí với game và phim ảnh khá tốt.


MSI Bravo 15 (5).jpg


Bàn phím của Bravo 15 có layout thoáng, các phím kích thước lớn, hành trình 1,5mm và độ nẩy cao. MSI đã thiết kế lại bàn phím trên nhiều dòng máy mới của mình với layout quen thuộc hơn và thu gọn lại, loại bỏ cụm phím số và mình nghĩ thay đổi này là cần thiết trên những sản phẩm hướng đến game thủ. Bàn phím của Bravo 15 không có đèn RGB, chỉ có màu đỏ.


MSI Bravo 15 (6).jpg


Riêng bàn rê của Bravo 15 thì hơi chán. Bàn rê dạng ClickPad tức chúng ta có thể nhấn vào mọi vị trí trên bàn rê, 2 phím chuột trên bàn rê của chiếc máy mình xài bị lún khá sâu nên cảm giác ọp ẹp. Bề mặt bàn rê lại tốt, ít bị rít và hỗ trợ đa điểm với driver Microsoft Precision Touchpad.

Chiếc Bravo 15 mình đang xài có cấu hình như sau:

  • CPU: Ryzen 5 4600H 6 nhân 12 luồng, 3,5 – 4 GHz, 8 MB Cache, TDP 45 W;
  • GPU: Radeon RX Vega 6 (tích hợp) + Radeon RX 5300M 3 GB GDDR6 14 Gbps;
  • RAM: 2 x 8 GB RAM DDR4-3200 (2 khe SO-DIMM, nâng cấp được)
  • SSD: Samsung PM991 256 GB PCIe 3.0 x4 Nvme (2 khe M.2, gắn SATA hay PCIe đều được)
  • Pin: 51 Wh.

Máy chính hãng hiện tại mình thấy có chút khác biệt là RAM mặc định 8 GB, tùy cửa hàng có thể có chương trình tặng thêm RAM. FPT thì bán phiên bản Bravo 15 này với ổ SSD 512 GB và balo, giá bán cao hơn 500 ngàn nhưng khá là hời. Mình đã test nhanh hiệu năng và nhận thấy Ryzen 5 4600H có lẽ là con CPU cho laptop tầm trung giá rẻ tốt nhất hiện tại.

Với Cinebench R20, R15 thì Ryzen 5 4600H đạt hiệu năng đa nhân rất cao, có thể thấy nó gần với Core i7-10875H 8 nhân 16 luồng của Intel và vượt xa Core i7-9750H dù có cùng 6 nhân 12 luồng. Đơn nhân thì hiển nhiên không phải là thế mạnh của các vi xử lý AMD hiện tại bởi sự thua kém về xung nhịp đơn nhân tối đa. Chẳng hạn như Ryzen 5 4600H có xung Turbo chỉ 4 GHz trong khi những con vi xử lý của Intel xung đều trên 4 GHz, lên đến 5 GHz. Việc Ryzen 5 4600H hay Ryzen 7 4800HS có thể đạt hiệu năng đa nhân cao như vậy nhờ sự cải tiến về IPC của kiến trúc Zen2 và tiến trình sản xuất 7nm. Tiến trình nhỏ đã khiến những con CPU Renoir của AMD có thể duy trì mức xung đa nhân liên tục mà không bị quá nhiệt, từ đó không bị cắt giảm xung để cắt nhiệt như các vi xử lý đa nhân dùng tiến trình 14nm của Intel. Khi cho chạy các bài test này thì Ryzen 5 4600H đều giữ xung 4 GHz toàn nhân.

Hiệu năng của CPU khi thực hiện các bài test 3DMark Fire Strike (mô phỏng game DX11) và Time Spy (mô phỏng game DX12) cũng cho thấy Ryzen 5 4600H đạt hiệu năng tốt và vẫn vượt đối thủ ngang sức là Core i7-9750H 6 nhân, gấp đôi so với Ryzen 7 3750H. Kết quả này sẽ phản ánh hiệu năng chơi game của CPU.

PCMark 10 test hiệu năng tổng thể cho thấy Ryzen 5 4600H lại là con CPU đạt được hiệu năng tốt nhất, nó vượt qua cả Ryzen 7 4800HS trên chiếc Zephyrus G15 và chỉ thua Core i7-10875H về hiệu năng chạy các tác vụ sản xuất nội dung. Thực sự thì với hệ thống tản nhiệt tốt của Bravo 15 thì con Ryzen 5 4600H đang được cho chạy công suất tốt đa.


Performance Mode.png


Qua phần mềm Dragon Center trên Bravo 15 thì con Ryzen 5 4600H có nhiều chế độ hiệu năng, chế độ Balanced sẽ khiến xung toàn nhân của CPU ở 3,6 GHz trung bình, tự động đẩy lên cao hơn như 4 GHz trên 2 nhân nhưng không giữ ở mức xung này. Mục tiêu là để giữ TDP ở dưới 45 W từ đó khiến nhiệt độ của CPU khi tải nặng như game hay render ở tầm 80 độ C. Khi chuyển qua chế độ Extreme Performance thì xung toàn nhân được giữ ở 4 GHz và kết quả là sự chênh lệch về hiệu năng khi thực hiện các bài test nói trên khoảng 10 – 15%. Trong các bài test thì mình luôn để ở chế độ Extreme Performance để đạt hiệu năng tối đa. Lúc này thì TDP của Ryzen 5 4600H ở 50 W, nhiệt độ khi stress test cũng cao hơn, đến 90 độ C nhưng khi bật Cooler Boost 5 thì giảm được còn 87 – 88 độ C, ngưỡng nhiệt Tj của Ryzen 5 4600H là 105 độ C và thật đáng ngạc nhiên khi ở nhiệt độ này, CPU vẫn không cắt xung và vẫn giữ được hiệu năng rất cao.

Về phần GPU, Radeon RX 5300M, đây là con Navi 14 tầm trung dùng kiến trúc RDNA mới và nó được xem là đối thủ trực tiếp của GeForce GTX 1650 trên laptop. RX 5300M cũng được sản xuất trên tiến trình 7nm, có 22 CU với số nhân Stream là 1408 nhân, xung tối đa ở 1450 MHz. Nó đi kèm với bộ nhớ GDDR6 14 Gbps, dung lượng tối đa 3 GB.

Hiệu năng của RX 5300M có thể nói tương đương với GTX 1650 Ti và hơn khoảng 10 – 15% so với GTX 1650 với các tựa game DirectX 11 nhưng sẽ là cân bằng với các tựa game DirectX 12. Kết quả so sánh trên là mẫu trung bình của những chiếc laptop chạy GTX 1650 và GTX 1650 Ti.

Mình đã test 2 game hay chơi trên chiếc Bravo 15 gồm The Division 2 và Shadow of the Tomb Raider, cả 2 game đều dùng DirectX 12, tiếc là chưa thể test COD: Warzone bởi tựa game này đòi hỏi dung lượng cài đặt đến 180 GB trong khi chiếc ổ SSD gắn sẵn chỉ có 256 GB, không đủ dung lượng trống.

Kết quả là Ryzen 5 4600H cùng với Radeon RX 5300M cho phép chơi các tựa game này ở thiết lập đồ họa Medium trên 60 fps và High ở 50 – 60 fps. Đây đều là các tựa game đồ họa cao cấp và như vậy có thể hình dung anh em có thể chơi được các tựa game online hiện tại ở tỉ lệ khung hình chắc chắn trên 60 fps. Dù vậy, có hơn 60 fps cũng không khiến trải nghiệm tốt hơn bởi màn hình của chiếc Bravo 15 chỉ 60 Hz. Vậy nên mình cho rằng với cấu hình của chiếc máy này thì chúng ta có thể chơi theo hướng trải nghiệm nội dung là chính thay vì đòi hỏi tính cạnh tranh. Một điểm hạn chế của RX 5300M là nó chỉ có 3 GB bộ nhớ VRAM và nếu chỉnh thiết lập đồ họa lên cao thì bộ nhớ này sẽ không đủ.


CoolerBoost.jpg


Mình stress test GPU bằng Furmark và nhận thấy ở chế độ Extreme Performance, con GPU được đẩy xung lên 1480 MHz, cao hơn 30 MHz so với mức xung Boost thiết kế và ăn tối đa 50 W. Nhiệt độ của nó vẫn rất mát mẻ khi stress test, dưới 70 độ C. Khi chơi game The Division thì nhiệt độ CPU ở 75 độ C, mức xung luôn trên 1400 MHz. Khi bật Cooler Boost cho các quạt quay tối đa ở gần 6000 rpm thì nhiệt độ giảm mạnh, GPU xuống dưới 70 độ C khi stress test bằng Furmark, đổi lại là độ ồn và anh em sẽ cần đeo tai nghe khi muốn xài Cooler Boost để giữ hiệu năng tối đa của hệ thống khi chơi game.


Battery Mode.png


Cục pin 51 Wh có phần ít ỏi đối với một chiếc máy cấu hình tốt như Bravo 15, mình sử dụng làm việc văn phòng thì được tầm 3 tiếng rưỡi với độ sáng màn hình 75% và chế độ hiệu năng Balanced. Dùng PCMark 8 cho chạy bài test Home mô phỏng loạt tác vụ văn phòng với cùng thiết lập thì thời lượng sử dụng đúng 3 tiếng. Anh em có thể chuyển sang chế độ Super Battery để kéo dài thời lượng sử dụng nhưng xung nhịp của CPU sẽ bị cắt xuống dưới 3 GHz, xài tác vụ không nhanh nên nó chỉ phù hợp để bật khi gần hết pin.


MSI Bravo 15 (23).jpg


Như vậy, Bravo 15 sẽ là một con máy rất chiến lược của MSI trong phân khúc laptop gaming tầm giá 20 triệu. Chỉ mới năm ngoái thôi thì việc mua một chiếc laptop chạy Ryzen vẫn còn khiến chúng ta đắn đo thì giờ Ryzen 4000 series đang thể hiện điều ngược lại. Hiệu năng đa nhân tốt, mát mẻ hơn cho phép chúng ta khai thác năng lực xử lý của CPU với nhiều loại tác vụ khác nhau. GPU Radeon RX5300M khá là ổn áp khi nó cho hiệu năng tương đương với những đối thủ cùng phân khúc như GTX 1650 hay 1650 Ti. Về hiệu năng/giá của chiếc máy này thì mình nghĩ không còn gì phải phàn nàn. Lưu ý về phần RAM và ổ SSD thì anh em nên lên thẳng 16 GB RAM và gắn thêm ổ SSD cho máy để có được hiệu năng tối đa và không gian lưu trữ lớn hơn. Thông tin thêm về dòng Bravo 15 thì anh em có thể tham khảo thêm tại đây, mình thấy hiện tại chỉ mới có 1 tùy chọn cấu hình như chiếc trong bài này.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/trai-nghiem-msi-bravo-15-chiec-laptop-7nm-voi-ryzen-4000-6-nhan-rx-5300m-hieu-nang-gia-qua-tot.3150171/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *