Đánh giá nhanh RTX 3080 FE: giờ thì 4K, max settings, max Ray Tracing chưa bao giờ dễ đến thế!

Hiệu năng của GeForce RTX 3080 ra sao thì ngay trong bài này anh em sẽ có cái nhìn cụ thể hơn. Khi xưa từ GTX 10 series lên RTX 20 series, khoảng cách về hiệu năng đã lớn thì lần này, khoảng cách càng bị kéo dãn và Nvidia đã không sai khi nói nó mạnh gấp đôi RTX 2080.

  • Trên tay nVIDIA GeForce RTX 3080 Founders Edition: đẹp lạ

RTX 30 series là thế hệ thứ 2 của kiến trúc đồ họa RTX, nó kế thừa những gì mà dòng Turing đã mang lại cho người dùng như công nghệ đồ họa dõi theo chùm tia Ray Tracing và công nghệ khử răng cưa bằng thuật toán học sâu DLSS, cả 2 đều là những thứ lần đầu xuất hiện trên GPU và từ đó mang đến một thế giới game ngày càng đẹp và thực tế hơn khi mà ánh sáng có chiều sâu, không còn phẳng như trước, sự phản chiếu, bóng đổ … túm gọn lại là khiến game thực hơn bao giờ hết. Tuy nhiên Ray Tracing trên RTX 20 series với kiến trúc Turing vẫn chưa đủ, nhất là với nhu cầu chơi game ở độ phân giải cao như 4K – việc vừa bật đồ họa ở mức tối đa cùng với Ray Tracing là hầu như không thể nếu muốn có tỉ lệ khung hình trên 60 fps, ngay cả với những chiếc card đầu bảng như RTX 2080 Ti. Nvidia đã dùng DLSS và liên tục cải tiến công nghệ này để đảm bảo khung hình cao, ổn định mà không mất đi chất lượng đồ họa. Chuyển sang RTX 30 series, đơn cử với RTX 3080 thì nó hứa hẹn sẽ giải quyết tất cả các vấn đề vừa nêu.


Ampere-3080_PCB-Front.jpg


Kiến trúc Ampere không phải là một thứ mới xuất hiện mà nó đã được Nvidia nghiên cứu và phát triển trong gần một thập niên. Nó mang lại một bước nhảy vọt lớn về hiệu năng. Trước tiên về tiến trình sản xuất thì những con GPU Ampere điển hình như GA102-200 trên RTX 3080 giờ đây được sản xuất trên tiến trình 8nm của Samsung, nhỏ hơn nhiều và mật độ bán dẫn cao hơn nhiều so với TSMC 12nm của dòng Turing. Nhờ đó với kích thước die là 627 mm2, nhỏ hơn 754 mm2 của TU102 của RTX 2080 Ti thì nó đã có đến 28 tỉ transistor, TU102 chỉ 18,6 tỉ transistor. Tiến trình nhỏ hơn cũng mang lại hiệu quả điện năng, nhiệt năng tốt hơn so với Turing và Ampere trước mắt đã được lợi từ yếu tố vật lý của tiến trình.


GeForce_RTX_3080_FINAL.jpg


Nvidia như thường lệ vẫn thiết kế GPU theo các GPC (Graphics Processing Clusters), mỗi GPC có các Streaming Multiprocessor (SM) – đây là những khối hay cụm nhân xử lý của GPU, mỗi SM sẽ có nhiều loại nhân khác nhau, Nvidia gọi là 3 loại vi xử lý trong 1: chúng bao gồm các nhân CUDA, nhân Tensor và nhân RT (Ray Tracing). Với RTX 3080 thì Nvidia dùng biến thể GA102-200 – phiên bản cắt giảm của GA102 đầy đủ với 68 SM, theo bố cục nhân thì nó sẽ có đến 8704 nhân CUDA, 272 nhân Tensor và 68 nhân RT – những con số này đều vượt RTX 2080/2080 Super và ngang ngửa với RTX 2080 Ti. Tuy nhiên, sự cải tiến nằm ở đây:


Turing.jpg


Turing lần đầu đưa thiết kế 3 vi xử lý trong 1 đến với người dùng, các nhân RT có thể xử lý theo thời gian thực việc dõi theo hướng hay chùm tia sáng đồ họa trong game từ đó mô phỏng ánh sáng thực tế hơn, thay thế cho công nghệ tạo điểm ảnh (rasterization) đã già cỗi. Turing như con TU102 có thể cho 11 TFLOPS hiệu năng xử lý shader bằng các nhân CUDA, 34 TFLOPS xử lý RT và 89 Tensor-TFLOPS với nhân Tensor.


Ampere.jpg


Ampere cải tiến thiết kế 3 vi xử lý trong 1 với nhiều thứ nằm sâu trong kiến trúc. Chẳng hạn như hiệu năng tính toán của shader được tăng lên 2 phép tính mỗi xung thay vì 1, từ đó đạt hiệu năng 30 TFLOPS. Tương tự với nhân RT thế hệ 2, nó cho xuất lượng gấp đôi đạt 58 RT-TFLOPS. Nhân Tensor thế hệ 3 cho hiệu năng gấp 2,7 lần và những nhân này sẽ giúp gia tốc cho các tính năng AI như DLSS và ứng dụng Nvidia Broadcast. Với DLSS 2.0 và Tensor, các tựa game khi chơi ở độ phân giải cao như 4K sẽ có thể đạt khung hình ổn định hơn vào cao hơn, trên 60 fps đồng thời hình ảnh đồ họa cũng đạt độ chi tiết cao hơn so với giải pháp khử răng cưa thông thường.


RTX 3080 changes.jpg


Đây là một biểu đồ cho thấy sự phối hợp của 3 loại vi xử lý là CUDA, Tensor và RT trên Ampere GPU. Tải đồ họa đặc thù được đưa vào các nhân dành riêng và các thành phần đồ họa của khung hình được xử lý song song bởi các nhân khác nhau từ đó tăng tốc xử lý. Chẳng hạn như với tựa game Wolfenstein Young Blood, một khung hình đơn đầy đủ các yếu tố đồ họa về hình học, vật lý lẫn ánh sáng sẽ mất 51 ms để xử lý với các nhân CUDA nhưng nếu kết hợp với nhân RT và Tensor theo hình thức chia tải để chạy thì thời gian này được rút ngắn xuống còn 12 ms.

Ngoài ra một trong những thay đổi lớn trên Ampere đó là hiệu năng xử lý FP32. Xuất lượng xử lý được tăng gấp đôi, đường dẫn dữ liệu được thiết kế lại đối với các tải xử lý FP32 và INT32. Game chính là nội dung được lợi từ thay đổi này bởi các yếu tố đồ họa, hoạt động tính toán và thuật toán đề dựa trên việc thư thi FP32.


G6X.jpg


Thêm vào đó, RTX 3080 với GA102-200 còn đi kèm với bộ nhớ tốc độ cao GDDR6X, kết nối qua độ rộng bus 320-bit, tốc độ bộ nhớ 19 Gbps từ đó cho băng thông 760 GB/s, cao hơn 50% so với RTX 2080 và cao hơn 20% so với RTX 2080 Ti. Nvidia cho biết hãng đã kết hợp với Micron để phát triển GDDR6X cho RTX 30 series với công nghệ điều biến độ lớn xung PAM4 với 4 cấp độ điện áp khác nhau từ đó tín hiệu truyền tải mỗi chu kỳ xung tăng gấp đôi so với GDDR6.

Một yếu tố nữa là RTX 3080 cũng như dòng RTX 30 series nói chung đã hộ trợ PCIe 4.0 cho băng thông gấp đôi so với PCIe 3.0. Tuy nhiên, mình đang test con RTX 3080 với hệ thống của Intel nên chưa kiểm chứng được sự khác biệt về hiệu năng giữa PCIe 4.0 và PCIe 3.0. Mình sẽ test riêng trong 1 bài khác với hệ thống của AMD với nền tảng bo mạch chủ B550 hoặc X570.

Benchmark RTX 3080:


Hệ thống mình test như sau:

  • CPU: Intel Core i9-9900KS, 8 nhân 16 luồng, 5 GHz toàn nhân;
  • MOBO: ASUS ROG Strix Z390-E Gaming;
  • RAM: 2 x 8 GB G.Skill TridentZ Neo DDR4-3600 CL16;
  • SSD: WD SN750 1 TB PCIe 3.0 x4 Nvme;
  • PSU: FSP Hydro G 750 W 80 Plus Gold.

Mình mới cầm chiếc card này hôm qua và phải test nhanh hôm nay nên anh em thông cảm xem sơ nha. Mình test một loạt các tựa game mới hỗ trợ Ray Tracing và DLSS, những kết quả sẽ khiến anh em ngạc nhiên về sức mạnh của RTX 3080. Trong bảng so sánh các kết quả test bằng công cụ benchmark thì anh em sẽ có thể hình dung được sự chêch lệch về hiệu năng giữa RTX 3080 và các phiên bản card đồ họa khác.

Đầu tiên là AIDA64 GPU Benchmark, mục tiêu là để kiểm tra những con số hiệu năng được Nvidia công bố thì đúng là RTX 3080 đạt hiệu năng xử lý FP32 đến 30 TFLOPS (kết quả AIDA là 30.8 TFLOPS), hiệu năng xử lý INT32 đạt 16849 GIOPS tương đương với RTX 2080 Ti. Phần bộ nhớ GDDR6X thì mình thấy tốc độ đọc và ghi không chênh lệch nhiều so với GDDR6 của RTX 2080 Ti nhưng phần Memory Copy (ghi vào xong đọc) thì rất cao.


RTX IO.jpg


Trong buổi ra mắt thì Nvidia có nói về thiết kế lại hệ thống I/O với RTX IO theo đó đường đi của dữ liệu sẽ không cần phải qua bộ nhớ hệ thống tức DRAM và CPU nữa mà sẽ trực tiếp từ SSD, thông qua NIC, vi điều khiển PCIe và GPU đến GDDR6X, tránh phải đi vòng. Tuy nhiên để khai thác toàn diện tốc độ truy xuất của GDDR6X thì sẽ cần SSD PCIe 4.0, nền tảng bo mạch chủ PCIe 4.0, mình sẽ test thêm.

3DMark với các nội dung Fire Strike mô phỏng game DirectX 11 3 độ phân giải gồm FHD, 2K và 4K, Time Spy mô phỏng game DirectX 12 với 2 độ phân giải 2K và 4K: anh em có thể thấy RTX 3080 thể hiện hiệu năng khủng khiếp khi so với những flagship RTX 20 series, đặc biệt là ở độ phân giải 2K và 4K. Chẳng hạn như Fire Strike Ultra, phân giải 4K, nó đạt tới 10870 điểm và như vậy cao hơn gần 70% so với RTX 2080 Super, 50,5% so với RTX 2080 và 30,7% so với RTX 2080 Ti. Trong khi đó với bài test Time Spy Extreme ở độ phân giải 4K, RTX 3080 cũng cho thấy hiệu năng cao hơn 38,6% so với RTX 2080 Ti.

Tương tự với hiệu năng xử lý Ray Tracing và DLSS: bài test Port Royal (2K) đo hiệu năng xử lý Ray Tracing cho thấy RTX 3080 cho hiệu năng xử lý Ray Tracing cao hơn gần 80% so với RTX 2080, hơn gần 70% so với RTX 2080 Super và hơn RTX 2080 Ti 32%. Hiệu năng khư răng cưa bằng DLSS với Ray Tracing ở độ phân giải 2K là 118 fps, tỉ lệ khung hình này gấp đôi so với RTX 2080 Ti. Nếu tắt DLSS thì RTX 3080 cũng đã mạnh hơn 32% so với RTX 2080 Ti, một số tựa game hiện tại dù hỗ trợ Ray Tracing nhưng lại thiếu DLSS nên bài test này đưa ra cả 2 tình huống cho anh em dễ hình dung.

Game 4K chưa bao giờ dễ đến thế!


tinhte_rtx3080 (27).jpg


Với những con số cực kỳ ở tượng ở 3DMark thì mình kỳ vọng RTX 3080 có thể cho trải nghiệm chơi game ở độ phân giải 4K, thiết lập đồ họa tối đa với Ray Tracing ở mức cao. Với những game có DLSS thì hiệu năng kỳ vọng sẽ ít nhất ở 60 fps. Kết quả không ngoài dự đoán:


Bảng này sẽ cập nhật liên tục vì mình còn test nha anh em

Tất cả các tựa game AAA mình test thử đều ở độ phân giải 4K với thiết lập đồ họa cao nhất, Ray Tracing ở mức cao nhất và tùy tựa game mà chúng ta có thể bật hoặc tắt DLSS, tỉ lệ khung hình đều trên 60 fps, những tựa game như BFV lần đầu tiên mình được trải nghiệm 4K với đầy đủ Ray Tracing với tỉ lệ khung hình trên 80 fps, rất tuyệt vời.

Cũng qua các tựa game này, anh em sẽ hình dung được xung nhịp của RTX 3080, nhiệt độ của GPU với giải pháp tản nhiệt độc đáo trên RTX 3080 cùng với độ ăn điện.


Control RTX 3080.jpg


Control là tựa game hành động góc nhìn thứ 3 có đồ họa rất đẹp, nhất là hiệu ứng vật lý và ánh sáng. Mình có thể bật tối đa thiết lập ở độ phân giải 4K, chi tiết đồ họa mức Ultra, Ray Tracing mức High và với DLSS ON nữa thì có thể chơi ổn định ở mức 60 fps. Một tựa game góc nhìn thứ 3 chơi với cốt truyện thì mình chỉ cần 60 fps, nó đủ mang lại trải nghiệm cinematic. Khi chơi tựa game này thì xung của RTX 3080 ở mức 1875 MHz – 1900 MHz, nhiệt độ GPU không quá 76 độ C với điều kiện là đóng thùng. Độ ăn điện của con RTX 3080 ở tầm 330 W tối đa.


BFV RTX 3080.jpg


Với Battlefield V, đây là tựa game mình cực kỳ thích bởi đồ họa và cốt truyện về thế chiến thứ 2. Với đồ họa 4K, tất cả các thiết lập Ultra, DXR và DLSS ON thì RTX 3080 cho phép trải nghiệm ở khung hình ổn định trên 80 fps. Khi chơi tựa game này thì xung của GPU lên tối đa 1995 MHz, trung bình luôn trên 1900 MHz, nhiệt độ GPU cũng ở mức 75 – 76 độ C và con RTX 3080 ăn tối đa 323 W.


WSYB RTX 3080.jpg


Wolfenstein Young Blood, tựa game này mình cũng chỉnh thiết lập cao nhất gọi là Mein Leben!, mọi thứ max cây, Ray Tracing và DLSS bật, có Reflex thì tỉ lệ khung hình cũng trên 83 fps. RTX 3080 cũng đạt xung tối đa 1995 MHz, ăn tối đa 329 W và nhiệt độ ở 76 độ C. Đồ họa của Wolfenstein nhất là về phần ánh sáng quá tuyệt vời.


tinhte_rtx3080 (32).jpg


Như vậy qua các bài test nhanh, mình có thể trải lời được các thắc mắc sau khi nghe Nvidia công bố. RTX 3080 thật sự mạnh hơn gấp đôi so với RTX 2080, RTX 3080 thực sự cho trải nghiệm chơi game ở 4K với tỉ lệ khung hình trên 60 fps với Ray Tracing và DLSS đều bật tối đa. Hệ thống tản nhiệt trên RTX 3080 thật sự phát huy hiệu quả bởi nó đã giữ cho con GPU GA102-200 chạy ở nhiệt độ mát mẻ hơn nhiều so với thiết kế tản nhiệt của dòng RTX 20 series FE khi xưa. Xung nhịp của GA102 trên RTX 3080 đạt đến gần 2000 Mhz rất cao và độ ăn điện ở 330 W đúng với con số công bố. Vậy nên một chiếc nguồn 750 W theo khuyến nghị là hợp lý.

Mình sẽ tiếp tục test và cho anh em thêm những con số so sánh trong bài tiếp theo, đọ sức mặt đối mặt giữa RTX 3080 và trọn bộ RTX 2080/2080 Super và Ti trên cùng một chiếc máy để chính xác hơn về con số.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/danh-gia-nhanh-rtx-3080-fe-gio-thi-4k-max-settings-max-ray-tracing-chua-bao-gio-de-den-the.3191872/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *