Đánh giá Gran Turismo 7: Ngàn Thu Áo Tím

Hẳn phải có nguyên do, series game bán chạy nhất trong lịch sử hệ sinh thái máy game PlayStation chính là tác phẩm đua xe của người Nhật Bản, Gran Turismo. Tính đến năm ngoái, Gran Turismo bán được tổng cộng 80 triệu bản trên cả 4 thế hệ máy game của Sony. Nói riêng phiên bản mới nhất, Gran Turismo Sport, Polyphony Digital và Sony đã bán được gần 10 triệu bản game. Tính sơ sơ, cứ 10 người sở hữu PS4 thì có 1 người chơi tựa game đua xe này. Ấy vậy mà ở Việt Nam, vì lý do nào series lâu đời này lại tỏ ra hụt hơi trước những Need For Speed và Forza Horizon đến như vậy?

Câu trả lời có lẽ đến ngay từ gu thưởng thức game trên PS của người Việt, ở ngay những cái ngày đầu quãng năm 96, 97, khi những chiếc máy PlayStation màu xám xanh bắt đầu xuất hiện ở những tiệm game. Gran Turismo là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng chỉ dành cho từng cá nhân nghiền ngẫm để được tự mình cầm lái những cỗ xe trong mơ, chẳng biết đến khi nào mới được sở hữu ngoài đời. Còn hầu hết khi ấy, chúng ta, trong hình hài của những đứa trẻ ham vui, chỉ tìm đến những tác phẩm có thể thưởng thức, để cười sảng khoái cùng bạn bè.

Dù có trầm mặc hơn so với những series ăn khách và bom tấn khác, Gran Turismo vẫn cứ là một tác phẩm đóng vai trò trụ cột trong thế giới game độc quyền của nhà Sony.

Cứ mỗi lần đánh giá một phiên bản Gran Turismo, bản thân mình không thể quên được tác phẩm Ngàn Thu Áo Tím của nhạc sỹ Hoàng Trọng. Điệu waltz đầy duyên dáng của người nhạc sỹ, chẳng hiểu vì sao lại quá hợp rơ với cách đạo diễn Kazunori Yamauchi cố gắng lột tả bề dày hơn 100 năm của ngành xe hơi toàn cầu, qua từng lát cắt đầy tinh tế và bản lĩnh.

Và điệu waltz của Gran Turismo, như thường lệ, luôn được thể hiện ở cái cách chúng ta tranh tài trên đường đua.



Đúng là câu nói của ngài Henry Ford có hơi quá, nhưng về mặt ý tưởng thì chẳng sai chút nào. Để đo đếm khả năng vận hành của mỗi cỗ máy tốc độ, hay để thử nghiệm và tạo ra những thành tựu của ngành xe toàn cầu của thời hiện đại, có cách nào tuyệt vời hơn là đem chính những thử nghiệm đó ra tranh tài trên những cung đường nhựa lắt léo, với những tay lái kiệt xuất vận hành chiếc xe ở điểm giới hạn của cả hai?

Đành rằng giờ đây đua xe là một cách hoàn hảo để các hãng có thể làm marketing, từ đó bán được nhiều xe hơn. Nhưng không phải vì thế mà những nỗ lực tranh tài để chứng minh khả năng vận hành của những công nghệ mới chỉ là yếu tố phụ. Nhìn vào lịch sử ngành xe hơi, không có thể thao tốc độ, thì làm gì chúng ta có phanh đĩa, có ABS, có những tùy chọn an toàn, có những chiếc xe truyền động bánh trước? Cùng với đó là vô vàn những sáng tạo giờ trở thành tiêu chuẩn, nhưng ban đầu được các kỹ sư kỳ công nghiên cứu chỉ phục vụ một mục đích duy nhất: Về đích đầu tiên.



Giá trị nguyên sơ nhất của Gran Turismo 7 nằm ở chính điều đó. Thay vì lấy những cỗ xe để làm công cụ mua vui cho người chơi trong những cuộc đua, thì chính bản thân những cuộc đua lại được lấy làm tiền đề để người Nhật lột tả một cách sống động lịch sử và những bước phát triển trong hơn một thế kỷ của cả ngành. Nó không tập trung quá mức vào những thể thức nhanh nhất. Nó nắm tay anh em từng bước, bắt đầu với một chiếc 4 chỗ gia đình hộp số tự động mua ở chợ xe cũ, để rồi từng bước một, từ những cỗ máy đặc biệt khiêm nhường cho đến những con quái vật tốc độ ở trường đua Le Mans, GT7 đều có đủ.

Tất cả chúng đều có một điểm chung, đó là giá trị mang tính biểu tượng mà chúng tạo ra. Những giá trị ấy đều sòng phẳng, chỉ khác ở chỗ ai nâng niu chúng hơn mà thôi.



Từ những chiếc compact châu Âu, những chiếc xe thể thao Nhật Bản, đến những chiếc cơ bắp Mỹ, hay đương đại hơn là cả những chiếc siêu xe điện, Gran Turismo 7 giống một bàn tiệc ê hề nhưng mỗi đĩa thức ăn đều được trình bày vừa đủ. Nhưng đi kèm với đó là những thông tin, những bài học lịch sử vô giá, đi kèm là hình ảnh minh họa của từng thương hiệu, từng thời kỳ.

Không biết mình đã bỏ bao nhiêu thời gian để đọc “bảo tàng thông tin” của các hãng xe, thứ ít người quan tâm nhất nhưng được hãng game đổ nhiều công sức thu thập nhất. Mỗi mốc thời gian lịch sử đều đi kèm với những sự kiện nổi bật trên thế giới vào đúng thời điểm ấy, tạo ra những điểm quy chiếu đầy giá trị nếu anh em là một con nghiện thông tin. Thậm chí đến mỗi cỗ xe đơn lẻ cũng đều có một trang thông tin riêng, kể về thông số cũng như lịch sử ra đời.








Còn nếu không thích đọc những dòng chữ khô khan, hãy ngồi vào một chiếc xe bất kỳ, chọn một cuộc đua và bắt đầu trải nghiệm những gì Gran Turismo 7 quảng cáo.


Game vẫn chia thành hai chế độ, chơi đơn theo cốt truyện và chơi mạng. Gran Turismo 7 là một phiên bản “truyền thống” đúng theo nghĩa đen của cụm từ này, xét riêng với quy mô dòng game. Nhắc lại chuyện cũ, Gran Turismo Sport khi ra mắt bị chê bai thậm tệ hồi năm 2017 vì quá tập trung vào chế độ “Sport”, nơi những anh tài thử sức với nhau qua mạng internet, mà thiếu đi chế độ chơi đơn cho mọi người rèn luyện kỹ năng điều khiển xe. Còn trong khi đó, GT7 không chỉ dắt chúng ta qua từng trang sử của ngành xe, mà còn cho chúng ta tự cầm lái những chiến mã 4 bánh để tranh tài với những đối thủ máy.

Ở trung tâm của mục chơi đơn là tiệm cafe chính giữa bản đồ, nơi những người yêu xe tụ tập, và cũng là nơi anh em nhận nhiệm vụ. Chỉ có hai dạng nhiệm vụ chính, đó là thu thập những chiếc xe theo từng chủ đề, và nhận vé mời tham gia những giải đua được chia theo từng khu vực và chia theo đánh giá sức mạnh của xe.



Đối với dạng nhiệm vụ đầu tiên, anh em chỉ cần tìm đến đúng đường đua đang diễn ra sự kiện, hoàn thành nó ở vị trí thứ 3 trở lên là sẽ được tặng một chiếc xe mới. Thu thập đủ 3 chiếc là xong nhiệm vụ, quay trở về GT Cafe để nghe kể câu chuyện đầy giá trị về chúng.

Còn với những giải đua, đó sẽ là nơi anh em dùng lượng kinh nghiệm thu thập được trong những cuộc đua trước đó để tranh tài, chứng tỏ khả năng của bản thân. Đó cũng chính là thời điểm hệ thống mô phỏng vật lý tuyệt vời của game phát huy tác dụng.

Nhờ hệ thống mô phỏng ấy, anh em sẽ cùng lúc làm được hai việc. Thứ nhất là phân biệt được rõ ràng trải nghiệm lái của từng cỗ xe. Xe đời cổ dùng phanh trống mà giẫm lút chân phanh thì kiểu gì cũng bó phanh mất lái, còn những chiếc dẫn động bánh trước mà không cẩn thận thì sẽ bị “understeer”, vô lăng bảo nhưng hai bánh trước không chịu nghe, thế là lao ra ngoài vỉa. Thứ hai là anh em sẽ được học cách phối hợp nhịp nhàng giữa chân ga và chân phanh để hoàn thành một vòng đua với thời gian thấp nhất.



Toàn bộ kinh nghiệm chạy xe trong GT7, thiết nghĩ, có thể tóm gọn lại chỉ với một câu nói: “Nếu vào cua vẫn thấy thoải mái, thì tức là chạy chưa đủ nhanh.” Chọn điểm nào để nhấp phanh, phanh cỡ nào để không bị khóa bánh, giảm tốc đến chỗ nào thì bắt đầu vào ga để vượt lên, hay thậm chí phức tạp hơn là chạy xe theo đường nào để có tốc độ cao nhất, GT7 giống như một bài học mà đôi khi, có thể áp dụng được trong cả đời thật vì khả năng mô phỏng vật lý của từng chiếc ô tô.

GT7 chắc chắn không phải tựa game có cơ chế mô phỏng chính xác với đời thực nhất. Danh hiệu đó thật ra xứng đáng với những tác phẩm như iRacing hay Automobilista 2 hơn. Nhưng trong khi những tựa game kể trên đều chỉ tập trung vào những thể thức riêng phục vụ những thị trường ngách khó tính nhất, thì Gran Turismo lại cân bằng một cách hoàn hảo tính chính xác của thuật toán mô phỏng vật lý, với số lượng xe đa dạng và đồ sộ, nhằm phục vụ mọi đối tượng người yêu xe hơi.



Thích nhẹ nhàng, những chiếc sedan gia đình hay những chiếc compact ăn khách sẽ là lựa chọn của anh em. Thích chạy nhanh, anh em có thể lấy những chiếc siêu xe trong mơ ra chạy thử xem khả năng của mình đến đâu. Thích chân thực, anh em có thể tìm những mẫu xe đua GT4 với hình hài giống xe thương mại nhưng bộ ruột bên trong rất khác. Còn nếu thích tranh đấu, thì những thể thức GT3 của châu Âu và GT500 của người Nhật sẽ là thử thách không nhỏ để anh em chinh phục. Như đã nói, “bữa tiệc” mang tên Gran Turismo 7 có đủ mọi món ăn tinh thần, anh em chỉ việc chọn thứ mình muốn.

Xin đừng lầm tưởng game dễ chơi. Những pha drift cháy bánh ở tốc độ cao sẽ chỉ khiến anh em văng khỏi đường nhựa vì lực quán tính và lực ly tâm, chứ không ngầu như trong Need For Speed đâu. Nhưng nếu cẩn thận quá mức nhấp phanh cách khúc cua một đoạn xa, thì đối thủ sẽ vượt lên rất nhanh, vậy là mất vị trí trên đường đua. Không phải tự nhiên mà FIA chọn Gran Turismo làm bộ môn thi đấu thể thao điện tử chính thức, với những giải đấu nơi những tay đua xuất sắc nhất tranh tài, với khoản tiền thưởng trong mơ.



Nhưng trước khi mơ đến việc đánh bại những người chơi khác, thì phải hoàn thiện chính kỹ năng cá nhân trước đã. Thuộc bản đồ đường đua để biết chỗ nào cần phanh, chỗ nào có thể vượt là một chuyện, điều khiển được cỗ xe mình đang cầm lái là một chuyện khác. Ban đầu nếu quen với trải nghiệm của những game đua xe nổi tiếng khác, anh em dễ bị ngợp khi chơi GT7. Xe chuyển động cầu sau mà đạp lút ga thì kiểu gì cũng chệch bánh, hay thậm chí leo vỉa để vượt, bánh xe văng khỏi mặt đường để rồi xe mất lái cũng là chuyện rất dễ xảy ra.

Kiến thức chung của giới đua xe được đúc kết bằng một câu ngắn gọn: “Vào chậm, ra nhanh.” Nhưng vào khúc cua chậm như thế nào, ra khỏi khúc cua đạp ga để xe có sức mạnh vọt lên phía trước ra sao, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm và kỹ năng.

Và để trui rèn kỹ năng, ngoài những cuộc đua, game còn có những “bài học” ngắn gọn mà rất hay trong hai mục “Mission” và “License.” Vượt qua những bài kiểm tra trong mục thứ hai thì anh em mới có “bằng lái”, thứ để tham gia những cuộc đua cao cấp hơn, khó hơn về sau. Ở những nhiệm vụ này, giành cúp đồng thì rất dễ, nhưng để giành được cúp vàng là cả một quá trình khổ luyện đúng nghĩa đen. Anh em đừng lo, để bù lại với công sức bỏ ra, khi giành đủ những chiếc cúp vàng, game sẽ thưởng cho anh em những chiếc xe đắt giá, tương xứng vô cùng.



Độ khó của game cũng rất đa dạng, hệt như cái cách game rất thân thiện với người chơi mới. Anh em sẽ có rất nhiều tùy chọn hỗ trợ lái. Từ đường kẻ vạch mô tả “racing line” lý tưởng, cho đến những vạch hỗ trợ phanh, hay cả những tính năng như chống bó cứng phanh (ABS) và quản lý chống trượt bánh xe (TCS). Ban đầu có thể bật hết chúng lên để làm chủ tốc độ trên đường đua, nhưng dần dần anh em sẽ muốn tắt từng tính năng đi, để thực sự cảm nhận cá tính của từng chiếc xe, thứ mà người Nhật đã kỳ công nghiên cứu và ứng dụng vào thế giới ảo.

Bên cạnh đó, tính năng ứng dụng trên tay cầm DualSense cũng khiến trải nghiệm chơi game ấn tượng hơn nhiều. Nhờ khả năng rung rất đa dạng của tay cầm, anh em sẽ cảm nhận được mọi chuyển động của xe, từ tiếng vào số chắc nịch, cho đến lúc xe rung lắc vì lấn vỉa hoặc chệch bánh. Cùng lúc, với cò adaptive trigger, chơi game này trên PS5 dễ hơn PS4 rất nhiều vì mô tơ phản hồi cho phép anh em kiểm soát độ nhạy của phanh và ga dựa vào phản hồi của tay cầm.



Còn trong khi đó, độ khó với biểu tượng… quả ớt trong game cũng thay đổi dần theo kinh nghiệm của người chơi. Ở chế độ dễ, mọi chiếc xe đều lái ở vận tốc an toàn, và đều bám dính vào “racing line”, tạo ra rất nhiều cơ hội cho anh em vượt lên giành chiến thắng. Độ khó càng cao, thì AI của game càng tinh quái, biết tìm cơ hội vượt lên, biết đánh lái để bảo vệ vị trí, và cũng biết núp gió phía sau để giảm lực cản không khí.

Trong tất cả những tùy chọn đó, có lẽ thứ mình thích nhất cũng chính là thứ mới xuất hiện trong GT7. Đồng hồ tốc độ trong giao diện game có khả năng đổi màu dựa vào tốc độ tiếp cận một khúc cua, từ đó thông báo rất nhanh cho anh em vào cua với vận tốc bao nhiêu thì là hợp lý. Kết hợp với kinh nghiệm với từng thể loại xe, anh em sẽ học được rất nhanh cách làm chủ những chiến mã 4 bánh.



Dần dần, anh em sẽ lái quen những chiếc sedan thể thao hiệu năng cao, cho tới những siêu xe của Ferrari, Lamborghini hay Pagani. Sau này, mục tiêu là làm chủ tốc độ những chiếc GT3 hoặc Super Formula, những thể thức đua xe nhanh nhất ở thời điểm hiện tại, nếu chúng ta tạm thời bỏ qua công thức 1. Càng về sau, yêu cầu sức mạnh của những chiếc xe sẽ càng cao, từ đó chứng minh được một thực tế không thể tách rời của thể thao tốc độ. Tay lái chỉ chiếm 50% thành công, và một nửa còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng vận hành của chiếc xe.

Kể cả ở độ khó thấp nhất, anh em cũng sẽ dễ dàng nhận ra sự hụt hơi của những chiếc xe công suất yếu hơn. Dù có thể rút ngắn khoảng cách ở những khúc cua bằng kinh nghiệm và kỹ năng, nhưng đến đoạn đường thẳng, sức mạnh của những khối động cơ sẽ tạo ra khác biệt rõ ràng, cho dù AI có ngốc nghếch đến đâu đi chăng nữa.

Cũng may là, game rất hào phóng với người chơi. Mình hoàn thành mục chơi đơn mà chẳng cần mua bất kỳ một chiếc xe nào, ngoại trừ chiếc xe compact cũ ở đầu game. Nhưng để vượt qua mọi thử thách trò chơi đưa ra, số tiền đổ vào việc độ xe cũng là kha khá.



Nếu như độ xe theo lý thuyết của những trò chơi khác là thay đổi dáng vẻ và một phần phụ tùng bên trong, thì trong GT7, nó trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Anh em sẽ được quyền chọn lựa những phụ tùng thuộc nhiều hạng mục, từ việc tăng sức mạnh của xe khi chạy hàng ngày, cho đến những món đồ chỉ được sử dụng trong các trường đua. Chỉ đến khi đó, anh em mới thấy được sự khác biệt, ví như đổi bộ lốp thông thường lấy lốp mềm cho xe đua, hay những giải pháp xoáy nòng động cơ hoặc lắp tăng áp kích thước lớn.

Một lần nữa, cơ chế mô phỏng của game hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ đặt ra. Trong quá trình độ xe, anh em sẽ còn được thay đổi cả độ cao của hệ thống giảm xóc. Nhờ đó, anh em sẽ hiểu được rằng không có khái niệm nào mang tính tích cực hoặc tiêu cực tuyệt đối, mà các kỹ sư sẽ luôn phải tìm ra con số cân bằng hoàn hảo để xe chạy tốt nhất. Ví dụ, phuộc xe cao quá, chạy sẽ thấy thân xe lắc rõ rệt, nhưng nếu thấp quá, thì không đủ khoảng cách để lò xo vận hành.

Nhờ hệ thống độ xe, một chiếc 911 thương mại sẽ đủ sức bám đuổi những chiếc GT3 chỉ được chạy trong trường đua. Nhưng vượt được chúng hay không lại là chuyện khác, khi cơ chế vật lý của game mô phỏng rất tốt hiệu ứng khí động học của từng loại xe. Câu nói khét tiếng của ngài Ferrari rõ ràng là sai, nhưng giờ đây thậm chí khí động học còn quan trọng hơn cả kích thước động cơ. Ví dụ điển hình là những chiếc GT500 chỉ dùng động cơ V4 tăng áp, nhưng sở hữu khả năng tăng tốc lên tới 320 km/h.



Một món ăn lạ khác là những chiếc xe rally, với những huyền thoại như Audi Quattro hay Peugeot 205 T16 nổi tiếng một thời. Lốp xe rally trên nền đất tạo ra những thử thách rất khác so với những cuộc đua tốc độ cao trên đường nhựa, không dễ dàng nhưng rất cuốn hút.








Yếu tố then chốt tạo ra thành công của một game đua xe là số lượng xe, và số lượng đường đua. Đây vừa là điểm cộng, vừa là điểm trừ của GT7, trò chơi mà mình nghĩ là “chơi xe” chứ không phải “đua xe.” Nếu như GT Sport trao cho người chơi quyền trở thành một tay đua kiệt xuất, thì GT7 trở về với những giá trị nguyên bản hơn nhiều, đó là biến chúng ta thành một người sưu tầm xe. Cũng chính vì lý do đó, trong số hơn 420 chiếc xe ra mắt khi game phát hành, hầu hết chúng đều là những cỗ máy mang giá trị biểu tượng, từ cổ điển cho đến đương đại. Nói như vậy có nghĩa là anh em sẽ không tìm thấy những mẫu xe tân tiến nhất vừa được cho ra mắt, từ Aston Martin Vantage đời mới, cho đến Corvette C8.

Polyphony Digital tỏ ra ưu ái đặc biệt với một thương hiệu duy nhất, Nissan, khi đến chiếc Nissan Z phải sang năm mới bán ra thị trường đã có mặt trong game. Nhưng cùng lúc, một biểu tượng khác của làng xe là Lexus LFA, trong phần 6 xuất hiện, nhưng chẳng hiểu sao đến phần này lại biến mất hệt như trong GT Sport. Chắc chắn thư viện và bộ sưu tập xe cộ của GT7 sẽ là một chủ đề tranh cãi trong cộng đồng fan. Nhưng có lẽ đối với mình đây không phải nỗi lo, vì dần dần game có thể cập nhật thêm xe mới mà.

Cùng với đó là sự đa dạng của những đường đua. Những track có thật ngoài đời như Monza, Spa, hay ở châu Á là Mount Panorama hay Fuji Speedway và cả Suzuka là những trụ cột không thể tách rời khỏi di sản của Gran Turismo. Nhưng cùng lúc những đường đua giả tưởng từng có mặt trong quá khứ cũng xuất hiện trở lại, ví dụ như Dark Forest hay Trial Mountain, lần này được tinh chỉnh lại để có những cuộc đua hấp dẫn và sít sao hơn. Dù rằng vẫn còn khá nhiều điều còn tiếc nuối, ví dụ như không có đường đua Sepang ở Malaysia hay Chang International Circuit ở Thái Lan, nhưng về tổng thể, số lượng đường đua và lựa chọn layout mỗi track là đủ để anh em tập luyện và trải nghiệm.

Hệt như cách lột tả chi tiết lịch sử ngành xe, nếu sẵn tiền, anh em có thể sở hữu những chiếc xe vô giá trong hành trình hơn một thế kỷ của ngành. Chúng không rẻ nhưng rất xứng đáng để sở hữu, cho dù chỉ là phiên bản ảo, mô tả trên màn hình bởi những pixel vô hồn:








Bù lại cho dàn xe nhiều nhưng không có nhiều đổi mới so với Gran Turismo Sport, chế độ chụp ảnh và đồ họa game luôn là điểm cộng. Dám khẳng định, so với Forza Horizon 5, GT7 đỉnh hơn một bậc, chí ít là trên console. Chế độ xem lại replay trận đấu và hình ảnh những chiếc xe ở độ phân giải 4K 30 FPS kết hợp với hiệu ứng ray tracing tạo ra những khoảnh khắc đầy mãn nhãn. Chi tiết của từng chiếc xe thì, có lẽ lời nói là không đủ, anh em cứ nhìn những tấm hình trong bài viết là sẽ rút ra được kết luận.

Mặc dù vậy, đôi lúc game cũng bị sụt khung hình, đặc biệt là trong những cuộc đua với 20 cỗ xe cùng tranh tài. Một trường hợp khác game sụt khung hình là ở đường đua Trial Mountain. Cây cỏ quá nhiều, chất lượng của chúng cũng nét căng, dẫn đến việc PS5 không thể đảm bảo tốc độ 60 FPS trong mọi hoàn cảnh.

Còn trong khi đó, tốn nhiều thời gian nhất về sau có lẽ chính là chế độ chụp ảnh, nơi hãng game kết hợp mô hình ảo và khung cảnh thật để đem tới cho anh em một công cụ rất mạnh để thỏa sức sáng tạo, với số lượng cảnh chụp lên tới hàng trăm:







Ở cái thời điểm xe động cơ đốt trong đang chuẩn bị đi tới hồi kết, điệu waltz tôn vinh thế giới tốc độ của người Nhật bỗng được phủ một tông màu đầy hoài cổ. Sự hiện diện của những ô tô điện mới toanh như Tesla Model S Performance hay Porsche Taycan trong GT7, dù chỉ là những điểm xuyết rất nhỏ nhoi trong khối lượng đồ sộ những chiếc xe trong game, cũng khiến những người yêu xe có một cảm giác rất khác khi chơi game. Đến cả chiếc xe mới toanh trên bìa đĩa do Porsche tự thiết kế độc quyền cho GT7 cũng là một chiếc xe điện. Có lẽ phảng phất đâu đó chút nuối tiếc, đặc biệt là lúc ngồi đọc về bề dày lịch sử những chiếc 911, GT-R, hay của cả một thương hiệu nổi tiếng.

Không thể tránh được một chút chạnh lòng. Gran Turismo 8 nếu có phát hành, thì cũng sẽ ở trong một thời điểm mà tình hình thế giới rất khác so với năm 2022. Thư viện xe cộ của phần 8 cũng vì thế mà phải thay đổi. Và điều đó sẽ biến GT7 trở thành một tựa game độc đáo.

Thế giới liệu có thay đổi hoàn toàn xe xăng sang xe điện hay không? Có lẽ, vì tốc độ ấm lên toàn cầu đang yêu cầu chúng ta phải có những động thái nhanh, mạnh và quyết liệt. Nhưng có thể vì thế mà lãng quên đi mọi đột phá, mọi sáng tạo thần kỳ của loài người thế kỷ XX, xét riêng tới ngành công nghiệp ô tô hay không? Chắc chắn là không. Gran Turismo 7 xuất sắc ở chỗ đó.



Thay vì tạo ra một trải nghiệm hơn thua đầy căng thẳng, thì nhờ vào tài năng và tình yêu xe vô bờ bến, những người Nhật đã tạo ra được một trò chơi đua xe đem lại cảm giác hệt như một bữa tiệc linh đình, chào đón mọi con người yêu mến xe cộ đến tham gia, để họ có đất chia sẻ, học hỏi, trải nghiệm, tranh tài, hay đơn giản hơn là chiêm ngưỡng những cỗ máy đã trở thành một phần di sản. Tất cả những điều ấy hội tụ trong một gói dữ liệu ảo 100GB, thứ tất cả chúng ta đều có thể trải nghiệm mọi lúc mọi nơi, không hề có giới hạn khoảng cách hay điều kiện.

Đó, nói thẳng thắn, là những thứ không có một series game đua xe nào có thể sao chép. Và đó cũng chính là lý do Gran Turismo đã, đang và sẽ luôn là một biểu tượng của văn hóa đương đại, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi thế giới game.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/danh-gia-gran-turismo-7-ngan-thu-ao-tim.3482324/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *