Trải nghiệm Radeon RX 6800 XT – Ray Tracing khá ổn, chơi game tốt ở phân giải 4K

Mình đang xài thử con Radeon RX 6800 XT và thứ mình có thể khẳng định với anh em rằng dòng Radeon RX 6000 series của AMD giờ đây đã cho hiệu năng tốt hơn xưa rất nhiều cũng như hỗ trợ Ray Tracing. Nó đủ sức chơi game ở 4K với tỉ lệ khung hình cao nhưng sẽ tốt nhất với 2K nếu muốn trải nghiệm Ray Tracing ở chất lượng tối đa. Mời anh em xem chi tiết dưới đây nhưng mình báo trước là … không có hàng để mua dù card rất ngon!

Radeon RX 6000 series & RDNA 2


AMD ra mắt 3 phiên bản gồm RX 6800, 6800 XT và 6900 XT, phiên bản 6800 XT có thể xem là con bài chiến lược của AMD trong phân khúc card đồ họa cao cấp bởi nó hướng đến đối thủ là RTX 3080.


AMD RDNA 2 per watt.jpg


Dòng Radeon RX 6000 series có nhiều thay đổi lớn về mặt kiến trúc với RDNA 2 thay thế cho RDNA thế hệ đầu của dòng Radeon RX 5000 series. Đây cũng là kiến trúc GPU đầu tiên của AMD hỗ trợ Ray Tracing bằng phần cứng với các nhân Ray Accelerator. Thiết kế CU của RDNA 2 được AMD cả tiến về đường dẫn của dữ liệu và giảm điện năng tiêu thụ. Khác biệt lớn nhất giữa RDNA 2 và RDNA 1 đó là tốc độ, những con GPU Big Navi giờ đã vượt được rào cản 2 GHz và như vậy với tiến trình 7nm không đổi thì RDNA 2 cho hiệu năng/watt cao hơn 54% so với RDNA đời đầu.


AMD Infinity Cache.jpg

Thêm vào đó, AMD cũng giới thiệu kiến trúc bộ đệm mới gọi là Infinity Cache, một thứ được lấy ý tưởng từ dòng CPU EPYC cho máy chủ. Nó thực tế là một bộ đệm L3 bổ sung với độ lớn 128 MB và được tối ưu cho tải game. Đây có thể nói là lần đầu tiên GPU có bộ đệm L3 tương tự như CPU.


AMD Infinity Cache 1.jpg


Bộ đệm L3 này thực tế nó đóng vai trò như một bộ khuếch đại theo cách AMD gọi và là giải pháp rất hay của AMD nếu nhìn về khía cạnh chi phí và khả năng cạnh tranh. Anh em có thể thấy dòng Radeon RX 6000 series vẫn được AMD trang bị bộ nhớ GDDR6 tốc độ thấp hơn và kết nối với độ rộng bus không lớn như dòng RTX 30 series của Nvidia với GDDR6X (384-bit hay 320-bit). Lớp L3 đệm tốc độ cao hơn VRAM và với dung lượng lớn thì các nhân CU chia sẻ chung bộ đệm L3 này sẽ có thể truy xuất vào dữ liệu cần xử lý nhanh hơn. AMD nói băng thông hiệu của hệ thống bộ nhớ trên RX 6000 series cao hơn 3,25 lần so với thế hệ RX 5000 series, đạt 1664 GB/s. Thêm vào đó, AMD không bị lệ thuộc vào nguồn cung của chip nhớ GDDR6X như Nvidia vốn đắt đỏ và đặc thù bởi nó là sản phẩm hợp tác giữa Nvidia và Micron.


AMD Ray Accelerator.jpg


Thành phần đáng chú ý tiếp theo trên RDNA 2 đó là Ray Accelerator (RA), mỗi CU có một nhân RA. Nhân RA được thiết kế để khai thác cấu trúc Bounding Volume Hierachy (BVH) và xác định hiệu quả các giao điểm những tia và khối, từ đó cho kết quả cuối cùng là các tam giác. Thiết kế Ray Tracing của AMD hỗ trợ hoàn toàn DirectX Ray Tracing (DXR) hiện đang là tiêu chuẩn công nghiệp dành cho công nghệ đồ họa ánh sáng dõi theo chùm tia của game trên PC. Tuy nhiên, RDNA 2 lại không có các nhân để khử răng cưa như nhân Tensor của Nvidia, AMD sử dụng sức mạnh tính toán thuần của CU để thực hiện điều này.

Trở lại với Radeon RX 6800 XT thì nó dùng GPU Navi 21 XT, biến thể ở giữa Navi 21 XTX trên 6900 XT và Navi 21 XL của 6800. Con GPU này có 72 CU với 4608 nhân Stream và 72 nhân RA. Hiệu năng tính toán FP32 của Navi 21 XT đạt đến 20,74 TFLOPS, cao hơn gấp đôi so với Navi 10 XT của Radeon RX 5700 XT. Xung nhịp của nó cũng đã trên 2015 MHz, đạt xung Boost đến 2250 MHz và đây là mức xung chưa từng có trên các phiên bản Radeon RX tiêu chuẩn trước đây. AMD trang bị đồng đều 16 GB bộ nhớ GDDR6 cho cả 3 phiên bản, đều kết nối với độ rộng bus 256-bit.

Hình ảnh AMD Radeon RX 6800 XT


tinhte_rx6800xt-5.jpg


Đây là thiết kế tiêu chuẩn của Radeon RX 6800 XT – phiên bản Reference Edition. Khác với Nvidia thì bản RE của AMD có thể được sản xuất bởi các hãng làm card custom nên anh em sẽ có thể thấy những chiếc card RX 6800 XT bản RE của ASUS, Gigabyte, MSI …


tinhte_rx6800xt-4.jpg

Thiết kế của phiên bản RE này cũng rất đẹp và hầm hố. Cá nhân mình thấy nó đẹp hơn cả bản Founders Edition của dòng RTX 30 series. Toàn bộ phần vỏ được làm bằng nhôm anodize màu bạc, hệ thống tản nhiệt dày cui với 3 quạt tản nhiệt với thiết kế cánh nằm trong một khung tròn để tăng áp suất tĩnh và tập trung luồng gió vào heatsink. Thiết kế quạt kiểu này tương tự như quạt Axial của ASUS. Tuy nhiên, 3 chiếc quạt lại có cùng kích thước là 80 mm thay vì 2 quạt to 2 bên và 1 quạt nhỏ hơn ở giữa.


tinhte_rx6800xt-9.jpg


Backplate kim loại làm rất chắc chắn, đậm phong cách gaming.


tinhte_rx6800xt-10.jpg


Lần này thì AMD đã chuyển sang thiết kế tản nhiệt open-air thay vì blower với quạt lồng sóc đẩy hơi nóng ra sau như dòng RX 5000 series.


tinhte_rx6800xt-11.jpg


Các công trình xuất trên phiên bản RX 6800 XT RE bao gồm HDMI 2.1 hỗ trợ VRR + FRL, 2 cổng DisplayPort 1.4 và 1 cổng USB-C cũng hỗ trợ trình xuất DisplayPort 1.4.


tinhte_rx6800xt-1.jpg

Phần logo Radeon có đèn màu đỏ nhưng khi tắt máy mình lại thấy nó nhảy sang các màu khác. Không rõ AMD có ý định cập nhật Radeon ReLive để hỗ trợ đèn RGB cho phần logo này hay không, hóng 😁.


tinhte_rx6800xt-6.jpg


Phiên bản Radeon RX 6800 XT dùng 2 nguồn PCIe 8-pin tiêu chuẩn, nguồn đề nghị 700 W bởi TDP của nó đến 300 W.

Hiệu năng của Radeon RX 6800 XT


tinhte_rx6800xt-3.jpg


Hệ thống thử nghiệm của mình lần này là full AMD với:

  • CPU: AMD Ryzen 7 5800X (Vermeer) kiến trúc Zen 3, 8 nhân 16 luồng, xung cơ bản 3,8 GHz > tối đa 4,7 GHz đơn nhân, TDP 105 W;
  • MOBO: ASUS ROG X570 Crosshair VII HERO (Wi-Fi);
  • GPU: AMD Radeon RX 6800 XT;
  • RAM: 4 x 8 GB G.Skill TridentZ Neo DDR4-3600 CL16;
  • SSD: WD Black SN750 1 TB;
  • Cooler: Thermaltake Floe Riing RGB 360 TT Premium Edition;
  • PSU: Thermaltake Toughpower Grand RGB 850W Gold.

AIDA64 cho thấy hiệu năng FP32 của vượt 22,3 TFLOPS tức trên con số 20,74 TFLOPS được AMD công bố. Hiệu năng của nó gấp đôi so với RX 5700 XT, nhỉnh hơn so với RTX 3080 và thấp hơn 10 TFLOPS so với RTX 3080. Trong phần benchmark hiệu năng bộ nhớ thì chúng ta có thể thấy rõ ràng về lợi thế băng thông Infinity Cache khi nó cho tốc độ truy xuất đến 976 GB/s. Đây là tốc độ copy dữ liệu từ hệ thống bộ nhớ trên card tức giữa các tầng cache và VRAM, không giống như Memory Read (tốc độ copy dữ liệu từ bộ nhớ trên card vào bộ nhớ RAM hệ thống) và Memory Write (tốc độ copy dữ liệu từ bộ nhớ RAM hệ thống vào bộ nhớ trên card). Với tốc độ này thì các bài test mã hóa như AES-256 và SHA-1 cũng cho kết quả tốt hơn.

3DMark cho anh em thấy điều gì? Điểm số rất cao ở tất cả các nội dung Fire Strike (DirectX 11) lẫn Time Spy (DirectX 12). Với điểm số ở độ phân giải 4K đều ngang ngửa hay thậm chí vượt RTX 3080 thì Radeon RX 6800 XT thể hiện rằng nó có thể cho chúng ta chơi game không Ray Tracing ở độ phân giải này với tỉ lệ khung hình ổn định trên 60 fps.

Trong phần test Ray Tracing thì RDNA 2 không hỗ trợ công nghệ tương đương DLSS của Nvidia nên mình chỉ có thể test được phần Port Royal và điểm số của nó cao hơn RTX 3070 gần 1000 điểm. Trước đây khi test RTX 3070 thì mình đã có thể chơi game với Ray Tracing tối đa ở độ phân giải 2K và có thể kỳ vọng Radeon RX 6800 XT cũng làm được điều tương tự.

Chơi game 2K và 4K với Ray Tracing?


Với một loạt game mình đã test với chiếc card này thì đúng như những gì phần benchmark cho thấy, Radeon RX 6800 XT đủ sức cho chúng ta chơi những tựa game mới nhất hiện tại ở độ phân giải 2K với tỉ lệ khung hình cao và 4K nếu không bật Ray Tracing.

Trong bảng trên là 4 tựa game hỗ trợ Ray Tracing với Radeon RX 6800 XT, mình test với 2 thiết lập là bật và tắt Ray Tracing ở độ phân giải 2K và 4K. RDNA 2 không có phần cứng khử răng cưa riêng như nhân Tensor của Nvidia nên ở 4K, , Radeon RX 6800 XT khi bật Ray Tracing không thể cho tỉ lệ khung hình trên 60 fps, với 2K thì trải nghiệm Ray Tracing hoàn hảo. Nếu không bật Ray Tracing thì tỉ lệ khung hình khi anh em chơi các tựa game này ở 2K và 4K đều cao. Trước đó khi test RTX 3080 thì DLSS là thứ giúp chiếc card này có thể cán tốt các tựa game có Ray Tracing ở 4K với tỉ lệ khung hình cao, nếu tắt đi thì khung hình giảm quá thấp không thể chơi được.


CONTROL RTX OFF ().jpg

Ray Tracing OFF.


CONTROL RTX ON ().jpg

Ray Tracing ON.​


Đây là một cảnh trong game CONTROL phản ánh rõ nhất về yếu tố ánh sáng giữa có và không có Ray Tracing. Anh em có thể thấy ánh sáng trên bức tường đồng đằng xa và sắc đỏ của cái cây ánh lên. Nếu không Ray Tracing thì yếu tố đồ họa này hầu như không có, ánh sáng rất phẳng.

Với các tựa game không hỗ trợ Ray Tracing thì Radeon RX 6800 XT cho tỉ lệ khung hình khi chơi ở 4K rất tốt, ngoại trừ GTA V với DirectX 11 khi chơi 4K thì nó quá nặng, chỉ đạt 41 fps trung bình.

Khi chơi game ở 4K, mình đã kích hoạt Resize Bar hay SAM (Smart Access Memory) để có được hiệu năng tốt nhất. Đây là một tính năng giúp CPU có thể truy xuất trực tiếp vào bộ nhớ VRAM trên RX 6800 XT, bỏ qua bộ nhớ DRAM hệ thống. Hiện tại tính năng này được hỗ trợ với Ryzen 5000 series, chipset 500 series và dòng RX 6000 series. Mình sẽ làm riêng một bài về tính năng này để anh em dễ hình dung hơn.

Xung rất cao, vận hành khá mát:

Với việc sử dụng tiến trình 7nm và kiến trúc RDNA 2 được cải tiến về điện năng tiêu thụ thì Radeon RX 6800 XT cho thấy những con số rất đáng khen nếu so với thế hệ trước. Khi stress bằng Furmark độ phân giải 4K thì chiếc card này ăn tối đa 260 W. Mức xung GPU tối đa ở 2242 MHz rất cao và nhiệt độ cũng khá mát mẻ với tối đa 76 độ C. Hệ thống tản nhiệt của phiên bản Radeon RX 6800 XT FE có 3 quạt và tốc độ tối đa của các quạt này chỉ ở tầm 1400 rpm nên tiếng ồn phát ra không lớn trong khi vẫn đủ hiệu quả làm mát.

Trong game như Metro Exodus, thiết lập đồ họa tối đa, Ray Tracing High và chơi ở độ phân giải 2K thì mức điện năng tiêu thụ của chiếc card ở 256 W và xung nhịp GPU lên đến trên 2400 MHz – một mức xung chưa từng có trên card đồ họa của AMD cũng như Nvidia nếu chỉ xét trên phiên bản tiêu chuẩn như Founders Edition hay Reference Edition.


tinhte_rx6800xt-7.jpg


Có thể nói những gì AMD công bố về mức xung, hiệu năng/điện năng của RX 6800 XT đến lúc này không sai. Lần này, cá nhân mình thấy card đồ họa của AMD rất hấp dẫn và đáng mua hơn rất nhiều so với trước đây. Dòng RX 5000 series mình đang có cả 3 con là RX 5500 XT, RX 5600 XT và RX 5700 XT đều chỉ ở mức chấp nhận được, chưa thực sự xuất sắc nhưng riêng với RX 6800 XT thì nó bắt kịp dòng RTX 30 series của Nvidia. Cái còn thiếu sót vẫn là Ray Tracing, AMD khởi đầu tốt nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót.

Bản thân Nvidia khi lần đầu mang Ray Tracing lên dòng RTX 20 series cũng đã gặp không ít khó khăn về hiệu năng dù có phần cứng xử lý DLSS riêng. Vì vậy mình nghĩ rằng AMD sẽ giải quyết ở thế hệ tiếp theo hoặc hãng sẽ tìm một giải pháp nào chẳng hạn như FidelityFX Super Resolution để khiến trải nghiệm Ray Tracing ở độ phân giải 4K trở nên tốt hơn.

Một vấn đề đau đầu nữa cho những anh em đang muốn mua RX 6800 XT hay dòng RX 6000 series nói chung đó là … MUA Ở ĐÂU BÂY GIỜ? Mình dạo quanh một vòng các trang bán đồ PC chính hãng và nhận thấy mức giá của RX 6800 XT phiên bản custom của các hãng rơi vào tầm 22 triệu đồng tuy nhiên, trạng thái hàng vẫn là LIÊN HỆ, GỌI ĐẶT HÀNG tức chưa có hàng sẵn. Đây cũng là tình trạng chung trên toàn cầu và chưa biết khi nào AMD mới khắc phục được.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/trai-nghiem-radeon-rx-6800-xt-ray-tracing-kha-on-choi-game-tot-o-phan-giai-4k.3248816/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *