Trải nghiệm camera OPPO R17 Pro: Với cụm camera tuyệt vơi của OPPO

Rate this post

Được trang bị tới 3 camera sau nhưng OPPO R17 Pro chỉ thực sự có một camera chính, hai cảm biến còn lại chỉ phát huy tác dụng trong một vài tình huống. Nhưng nhờ phần cứng tốt nên camera chính này có thể cân tốt hầu hết nhu cầu.

Thông số phần cứng

3 camera trên OPPO R17 Pro gồm:

+ Camera chính 12MP, khẩu độ kép f/1.5 – f/2.4, 26mm, 1/2.55″, 1.4µm, chống rung OIS

+ Camera 20MP dùng để đo chiều sâu cho phép chụp chân dung xóa phông tốt hơn

+ Cảm biến TOF 3D

Như vậy trong 3 camera của OPPO R17 Pro chỉ có một camera chính là thực sự sử dụng thường xuyên, còn camera 20MP chỉ hoạt động khi chụp ảnh xóa phông. Riêng cảm biến TOF 3D chỉ hoạt động khi chụp ảnh 3D, tuy nhiên do chưa phải là phiên bản thương mại nên chiếc R17 Pro Sforum trải nghiệm chưa được cập nhật tính năng này.

Phần mềm, giao diện camera

Giao diện camera của OPPO R17 Pro khá đơn giản, dễ sử dụng với hầu hết tính năng đều được đưa ra bên ngoài. Khi muốn chuyển giữa các chế độ chỉ cần vuốt qua lại (khi chụp dọc) hay lên xuống (khi chụp ngang). Mặc dù không có camera tele nhưng ở giao diện chụp ảnh vẫn có tính năng zoom 2x.

Ngoài ra mặc định khi chụp chế độ chân dung thì máy cũng tự zoom 2x. Nếu các bạn chưa biết thì ngay cả iPhone và Samsung, trên những sản phẩm cao cấp như Note 9iPhone Xs mặc dù cả hai có camera tele nhưng khi chụp thiếu sáng thì vẫn zoom 2x từ camera chính để tận dụng khẩu độ và điểm ảnh lớn giúp kiểm soát noise tốt hơn (tuy nhiên khi chụp chân dung vẫn dùng camera tele).

Ngoài các chế độ quen thuộc như tự động, chân dung, toàn cảnh, chuyên nghiệp thì OPPO R17 Pro có thêm chế độ chụp đêm. Chế độ này sử dụng thuật toán chồng ảnh khá giống với chế độ chụp đêm của Huawei Mate 20 Pro.

Một thiếu sót khá đáng tiếc trên chiếc OPPO R17 Pro là mặc dù được trang bị camera khẩu độ kép, nhưng khi chụp chế độ chuyên nghiệp với hầu hết các thông số đều có thể chỉnh tay thì lại không thể khép khẩu xuống f/2.4. Với khẩu độ mặc định khi chụp thiếu sáng ở f/1.5 máy hầu như không thể phơi lâu hơn 2 giây. Hi vọng khi bản thương mại được bán ra OPPO sẽ có bản cập nhật phần mềm cho phép đổi khẩu độ thủ công như trên những máy của Samsung.

Nói thêm một chút về trải nghiệm chụp ảnh, tốc độ lấy nét và chụp của OPPO R17 Pro rất nhanh, tuy nhiên thời gian xử lý sau khi chụp lại tốn mấy khoảng 1 – 2 giây, trong lúc xử lý không thể chụp tiếp ảnh khác, đây là nhược điểm dễ thấy nhất. Máy vẫn có chế độ chụp liên tiếp bằng cách ấn giữ nút chụp hình, nhưng ở chế độ này chất lượng ảnh từ ánh sáng, màu sắc đều kém hơn kha khá so với chụp từng tấm và đợi máy xử lý.

Ảnh chụp ban ngày đủ sáng

Trong điều kiện ánh sáng đầy đủ, OPPO R17 Pro cho những bức ảnh tuyệt vời, hình ảnh sắc nét, độ chi tiết cao. Màu sắc vùng trời được tái tạo khá chính xác, có thể nói là khá giống với màu bầu trời của iPhone chứ không rực như Samsung.

Tiếp theo với ảnh chụp ngược sáng, ở chế độ tự động hoàn toàn AI sẽ quyết định tất cả, cả HDR cũng vậy. Ảnh chụp thực tế nếu ngược sáng không quá mạnh thì flare được kiểm soát khá tốt, chi tiết vùng tối và vùng sáng đều giữ lại được khá nhiều ngay cả khi chụp thẳng mặt trời.

Tuy nhiên có một chút hơn khó hiểu là nếu cố tình bật HDR lên thì dù nắng cỡ nào khẩu độ cũng là f/1.5 chứ không phải f/2.4 như chế độ tự động. Trong một số trường hợp bật HDR chỉ làm cho cả khung hình sáng hơn, nhưng vẫn có những trường hợp hiệu quả như dưới đây, ảnh chụp HDR giữ lại được nhiều chi tiết vùng sáng hơn ảnh chụp tự động.

Một số ảnh chụp ngược sáng khác:

Thử nghiệm với tính năng zoom 2X trên OPPO R17 Pro, vì đây là zoom kỹ thuật số nên độ chi tiết cũng chỉ tương đương với ảnh chụp bình thường xong crop lại. Tuy nhiên vẫn khá thuận tiện khi cần chụp chủ thể ở xa, ngoài ra chất lượng zoom 2X tuy là bằng kỹ thuật số nhưng vẫn sử dụng tốt, ít nhất là cho nhu cầu đăng lên Facebook, Instagram.

Zoom 2x

Ảnh chụp thiếu sáng

Nhờ khẩu độ f/1.5 và kích thước điểm ảnh khá lớn nên khi chụp thiếu sáng OPPO R17 Pro có khả năng kiểm soát noise tốt. Ngoài ra nhờ chống rung quang học nên chụp ở 1/25 giây ảnh vẫn nét, không mờ nhòe nếu chủ thể đứng yên, nhờ vậy phần lớn trường hợp không cần đẩy ISO lên quá cao giúp hạn chế vỡ hạt.

Thuật toán xử lý ảnh thiếu sáng của R17 Pro cũng có nhiều phần giống iPhone, ảnh sẽ đo sáng theo vùng sáng của ảnh, tức vùng tối sẽ bị mất bị tiết, còn với phần lớn máy Samsung thì sẽ cứu chi tiết vùng tối làm cho vùng sáng đôi khi bị cháy. Tuy nhiên đó là khi chụp tự động, khi kiểm soát tốt thiết bị và xác định được mục đích từng tấm ảnh thì người chụp có thể tăng giảm độ sáng ngay khi chụp bằng cách chạm lấy nét rồi tăng giảm thanh độ sáng.

OPPO R17 Pro còn có thêm một tính năng nữa là chụp đêm như đã nhắc đến ở đầu bài viết, dường như máy sử dụng thuật toán chồng ảnh, hoạt động khá giống với chế độ chụp đêm của Huawei Mate 20 Pro. Khi chụp bạn cần giữ máy một chút để máy bắt sáng. Thông số bức ảnh chụp đêm mình kiểm tra lại thì có tấm lên tới 1 giây, và tất nhiên cầm tay không dùng chân máy.

Khi sử dụng chế độ chụp đêm hiện tượng noise được kiểm soát tốt hơn một chút (không nhiều, không dễ nhận thấy sự khác biệt), nhưng phải cầm máy chắc tay và tốn nhiều thời gian. Hiệu quả tính năng chụp đêm không tốt như Mate 20 Pro và cũng không quá hữu dụng, trong phần lớn trường hợp thì khẩu độ f/1.5 đã giải quyết khá tốt và thực sự không cần đến chế độ chụp đêm.

Đến với khả năng chỉnh tay, sở dĩ cho vào phần chụp thiếu sáng là vì phần lớn người dùng chỉ sử đến chế độ chuyên nghiệp khi phơi sáng. Có hai nhược điểm mình nghĩ có thể khắc phục bằng các bản cập nhật phần mềm: Một là ISO tối thiểu chỉ xuống được 100, trong khi nhiều smartphone xuống được 50, thậm chí là 25. Thứ hai là OPPO không cho phép người dùng điều chỉnh khẩu độ như Samsung nên ảnh phơi sáng không ấn tượng, khẩu độ quá lớn vô tình làm cho OPPO R17 Pro chỉ phơi sáng được khoảng 2 giây nếu trời rất tối. Trong khi đó nếu giảm được ISO xuống 50, khẩu độ f/2.4 thì việc phơi 4 giây là hoàn toàn bình thường.

Ảnh chụp chân dung

Chế độ chân dung của OPPO R17 Pro sẽ tự động zoom 2X. Ở chế độ chụp chân dung người dùng có thể chọn nhiều hiệu ứng ánh sáng cho các bức ảnh nhiều hiệu ứng khác nhau. Nhưng chế độ làm đẹp thì lại ở chế độ tự động chứ chế độ chân dung không có tùy chọn làm đẹp – hơi khó hiểu ở phần mềm chụp ảnh mặc định.

Về khả năng xóa phông, nhờ việc được trang bị camera 20MP chỉ để đo chiều sâu nên hiệu ứng xóa phông khá ấn tượng, ngay cả khi bạn nữ trong hình mặc áo trắng và phần tường phía sau cũng màu trắng nhưng máy vẫn tách được bức tường phía sau và thay bằng một nền khác khác.

Ảnh selfie

OPPO R17 Pro có hai chế độ làm đẹp khi selfie là làm đẹp bằng AI và tự điều chỉnh mức độ làm đẹp với nhiều thông số từ mắt, mũi, miệng, gò má. Tùy trường hợp mà AI có thể cho bức ảnh selfie đúng ý người dùng hoặc không, đôi khi làm đẹp quá đà cũng là một nhược điểm. Nếu không hài lòng với AI thì có thể chỉnh qua chế độ tùy chỉnh, người dùng thoải mái điều chỉnh độ to nhỏ của mắt, độ làm mịn da, mức độ “bóp mặt”…

Với khả năng tùy chỉnh linh hoạt như vậy thì chỉ cần chịu khó vọc vạch một chút, sau khi tìm ra được “công thức” phù hợp với khuôn mặt thì việc có một bức ảnh lung linh ảo diệu khá dễ dàng. Camera trước cũng có khả năng xóa phông và xóa khá tốt. Tuy nhiên nếu chụp ngược sáng thì khả năng xử lý thua camera sau khá nhiều.

Phần mềm chụp ảnh của OPPO có sẵn các sticker để người dùng không cần dùng đến các ứng dụng khác như B162. Máy còn có cả khả năng tạo emoji như AR Emoji của Samsung nhưng có khá ít tùy chỉnh, tính năng này cũng ẩn trong phần chụp với sticker. Vì chỉ có camera đơn và không có các cảm biến khác hỗ trợ nên emoji được tạo từ R17 Pro không giống, thậm chí là hầu như không có nét đặc trưng của người dùng vì thế mình sẽ không đề cập nhiều đến tính năng này.

Kết luận

Mặc dù được trang bị tới 3 camera nhưng phần lớn chỉ sử dụng đến camera chính, camera 20MP sẽ hỗ trợ việc chụp xóa phông. Còn cảm biến TOF 3D do phần mềm máy chưa cập nhật nên mình chưa test được nhưng nhu cầu chụp 3D cũng không phổ biến. Chính vì vậy nếu chọn OPPO R17 Pro các bạn nên cân nhắc không nên để con số 3 camera gây hiểu nhầm.

Về chất lượng thì camera chính thực sự tuyệt vời, với phần cứng không thua kém Galaxy S9, chụp thiếu sáng, ngược sáng tốt và thuật toán xử lý màu sắc thậm chí còn có đôi chút tinh tế hơn. Tuy nhiên vẫn còn có vài nhược điểm cần cải thiện như tốc độ xử lý chậm, không cho đổi khẩu độ thủ công.

Chế độ chụp chân dung xóa phông tốt nhưng lại thiếu camera tele nên chắc chắn chi tiết sẽ bị giảm ít nhiều (do sử dụng zoom quang học), một yếu tố nữa là không có chế độ làm đẹp khi chụp chân dung. Selfie vẫn luôn là ưu điểm trên các máy OPPO nên cũng không cần nhắc đến nhiều.

Tuy có khá nhiều ưu điểm nhưng thực sự ở phân khúc 17 triệu đồng thì chất lượng chưa thực sự nổi bật. Nếu ưu tiên chụp hình, chọn R17 Pro vì camera thì hoàn toàn không nên, trong phân khúc có khá nhiều lựa chọn tốt hơn như Huawei Mate 20, Galaxy S9+ 64GB đã kích hoạt… Còn nếu vì các tính năng khác như sạc nhanh, vân tay trong màn hình mà còn phân vân về chất lượng camera thì các bạn có thể yên tâm chất lượng đủ đáp ứng hầu hết nhu cầu.

Nguồn: cellphones.com.vn

Xem thêm: Đánh giá Galaxy Fit E: với thiết kế nhỏ gọn, trẻ trung cho người dùn


Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *