Review ROG Flow X13 và XG Mobile RTX 3080: Giải pháp Ultrabook chơi được game 4K liệu có khả thi?

ROG Flow X13 là một chiếc laptop khá thú vị ở thế giới laptop trong vòng 1 năm vừa qua, nó mang sự sáng tạo của ASUS trong việc mang đến cho người dùng một chiếc laptop mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được sự mỏng nhẹ và tính di động cao. Nếu chỉ xét riêng về chiếc Flow X13 Supernova (xin gọi tắt trong bài là Flow X13) này thì nó cũng đã nằm trong top những chiếc laptop mỏng nhẹ mạnh mẽ nhất hiện tại. Nhưng nếu xét thêm về việc coi nó như một giải pháp gaming khi kết hợp với XG mobile thì nó thực sự là một con quái vật.

Bên trong cái hộp be bé của XG Mobile là con GPU mạnh mẽ nhất của Nvidia trên laptop hiện tại, đó là RTX 3080. XG Mobile kết nối với Flow X13 không phải đơn thuần là bằng giao thức Thunderbolt mà là một kết nối riêng của ROG, đem lại băng thông lớn hơn cả Thunderbolt (~63Gbps) với 8 làn PCIe và với băng thông như vậy, nó hứa hẹn truyền tải đầy đủ sức mạnh mà RTX 3080 mang lại.


review_rog-flowx13_tinhte10.jpg

Về phần Flow X13, bên trong nó bản thân đã rất mạnh trong phân khúc laptop gaming mỏng nhẹ khi được trang bị cấu hình không thua kém một chiếc laptop gaming high-end:

  • CPU: Ryzen 9 5980HS 8 nhân 16 luồng, 3.0-4.8GHz, TDP 45W, 16MB L3 cache.
  • GPU: GTX 16050 Max-Q 4GB DDR5 35W / RTX 3080 16GB DDR6 110W.
  • RAM: 32GB DDR4 4266MHz.
  • SSD: 1TB NVMe.

Hiệu năng


ROGFlow_CinebenchR23-R20.jpg


Cinebench R23 + Cinebench R20 + Geekbench 5


ROGFlow_Handbrake.jpg


Handbrake Big Buck Bunny 4K@60fps → 1080p@30fps Very Fast


ROGFlow_Blender.jpg


Blender Splash Fox + BMW27


ROGFlow_Lightroom_Classic.jpg


Lightroom Classic


ROGFlow_Premiere_Pro.jpg

Premiere Pro 4K@30fps


Screenshot 2021-12-03 174232.jpg


Điểm số PCMark 10.


Screenshot 2021-12-03 174351.jpg


Điểm 3DMark Time Spy.


Screenshot 2021-12-03 174617.jpg


Điểm 3DMark Fire Strike

Mình sẽ chia sẻ với anh em ngay về phần hiệu năng của combo này vì nó là thứ khiến người dùng tò mò nhất. Nếu chỉ chơi game trên Flow X13 thôi thì màn hình của nó chỉ là 13.4″ chơi không đã, mình sẽ chơi tất cả các tựa game trong bài này qua màn hình 4K@144Hz hỗ trợ G-Sync, HDR10 các kiểu để anh em hình dung rõ hơn về sức mạnh thực sự của RTX 3080.


review_rog-flowx13_tinhte14.jpg

Những tựa game mình chơi khi kết nối với màn hình ngoài đều ở độ phân giải 4K và mức settings từ high cho đến very high (ultra). Anh em có thể nhìn vào biểu đồ mà mình làm ở trên để thấy combo này chơi game 4K tốt như thế nào. Gần như tất cả các tựa game trên từ nhẹ đến nặng thì RTX 3080 đều có thể cân được, đạt tốc độ khung hình trên 60fps và nếu trong trường hợp anh em muốn con số fps cao hơn, anh em có thể hạ mức settings xuống một bậc.


Screen Shot 2021-12-04 at 16.47.11.png

Tựa game mà mình chơi lâu nhất trên chiếc máy này là RDR2, hồi còn giãn cách có ngày mình dành cả 4-5 tiếng chơi game và trong suốt quãng thời gian đó thì máy luôn chạy ở mức tối đa hiệu năng và mình chơi rất mượt, không có bị throttling. Lý giải cho điều này khá đơn giản khi RTX 3080 được gắn riêng bên ngoài, trong một chiếc hộp và có hệ thống tản nhiệt riêng, nên nhiệt độ được tối ưu tốt, không bao giờ vượt ngưỡng 90 độ C và công suất khi chơi RDR2 lên đến 150W.


review_rogflowx13_xgmobile_tinhte8.jpg

Bộ nguồn bên trong XG Mobile có tổng công suất 280W, 100W sẽ dành cho Flow X13 và khoảng 180W còn lại sẽ dành cho RTX 3080 nên XG Mobile có thể tận dung tối đa sức mạnh của chiếc card đồ họa khủng này. Hiện tại không nhiều chiếc laptop trên thị trường có thể truyền tải hết sức mạnh của RTX 3080 khi gắn ở trong máy, vì nó ăn quá nhiều điện và quá nóng, hầu hết những chiếc laptop có RTX 3080 đều có những cục nguồn rất to và thiết kế rất dày bản, hoặc là sẽ phải giới hạn điện năng tiêu thụ của GPU để có thể đảm bảo máy không quá nóng, nhưng khi chơi game sẽ không sướng. Điểm cộng của combo này là nó mạnh ngang với những chiếc laptop cao cấp nhất sở hữu RTX 3080 nhưng nó lại gọn nhẹ hơn và tính di động cao hơn rất nhiều.

Chưa kể, tất cả những cổng kết nối cần thiết đã được tích hợp vào XG Mobile và nó có thể kéo cùng lúc tối đa 3 màn hình 4K phục vụ cho công việc và giải trí thông qua 1 cổng HDMI và 1 cổng DisPlay Port, chưa tính 1 cổng HDMI nằm trên Flow X13. Những anh em hay làm việc với hình ảnh sẽ rất thích XG Mobile khi nó có khe thẻ SD, tiện lợi cho việc import hình. XG Mobile còn hỗ trợ 4 cổng USB-A, mình tận dụng nó để gắn receiver của chuột và bàn phím.


review_rog-flowx13_tinhte11.jpg

Về nhiệt độ của Flow X13, do nó không phải gánh một con GPU cực khủng bên trong nên hầu như chỉ có CPU hoạt động mà thôi nên khá là mát. Đối với các tựa game AAA thì con Ryzen 9 5980HS không hoạt động quá nhiều, chỉ dao động khoảng 20-30% mà thôi và xung nhịp luôn duy trì ở mức 4.5GHz, đặc biệt nhiệt độ chỉ loanh quanh 80-85 độ, TDP dao động ở mức 60W. Điểm nóng nhất trên chiếc máy này mình ghi nhận được là ở khu vực bản lề và khu vực phím T Y U H (khoảng 45 độ), nhưng cũng không quá quan trọng khi khu vực đó không ảnh hưởng đến trải nghiệm hằng ngày của chúng ta, quan trọng khu vực chiếu nghỉ và bàn phím thì hoàn toàn không nóng. Điểm quan trọng hơn nữa khiến nó có một nhiệt độ mát mẻ như vậy đó là keo tản nhiệt kim loại lỏng, nó cho hiệu quả tản nhiệt tốt hơn các keo tản nhiệt thông thường khác khá nhiều.


review_rog-flowx13_tinhte5.jpg

Tuy về trải nghiệm sử dụng hằng ngày nó không ảnh hưởng nhưng ngay tại bản lề là hai khe tản nhiệt lớn của máy nên nó sẽ phả thẳng hơi nóng vào phần màn hình đó và chắc chắn sau một thời gian dài sử dụng sẽ ảnh hưởng đến việc hiển thị, còn hiện tại sau nửa năm sử dụng thì mình hoàn toàn chưa bị vấn đề gì về màn hình. Ngoài ra Flow X13 còn một khe tản nhiệt nằm bên phải, ngay tại vị trí để chuột nên khi chơi game sẽ rất nóng tay, khá khó chịu.

Nhưng hiệu năng mạnh mẽ như vậy mà không đánh đổi điều gì thì có phải hoàn hảo quá không? XG Mobile dĩ nhiên vẫn có nhược điểm, đó là độ ồn của quạt gió. Khi chơi những tựa game AAA thì quạt kêu rất to và mình dùng phần mềm Armoury Crate để đo thì nó quay ở tốc độ tối đa với gần 8000/phút. Nếu anh em đeo tai nghe để chơi game thì sẽ rất tuyệt vời, còn nếu không anh em sẽ phải chịu tiếng ồn từ quạt gió của cả XG Mobile lẫn Flow X13 phát ra, thực sự là không dễ chịu chút nào.

Một điểm nữa mà mình gặp khi chơi game trên bộ đôi này, hay nói đúng hơn là một hiện tượng mà mình vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp, đó là hiện tượng tắt máy đột ngột khi đang chơi game với màn hình ngoài, trước đây mình chưa từng bị lỗi này, chỉ trong thời gian ngắn gần đây mới gặp phải. Dù đã update mọi thứ từ BIOS, firmware cho XG Mobile cho tới việc đổi màn hình khác thì lỗi này thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Hiện tượng này hoàn toàn không xảy ra nếu mình dùng máy để làm việc thông thường, nhưng khi chơi game thì thỉnh thoảng sẽ bị. Mình sẽ hỏi ASUS kĩ hơn về lỗi mình gặp phải, mình không chắc nó có bị trên những chiếc máy khác không, nhưng hiện tại máy mình gặp vấn đề như vậy.

Ngoài ra còn một số lỗi vặt nữa mình gặp khi sử dụng (máy đang ở Windows 11 bản chính thức) như khi sleep máy lâu sẽ không khởi động lên lại khi mở máy ra, buộc phải nhấn nút nguồn, hay cảm biến vân tay đôi khi không nhận…ASUS và Microsoft có lẽ nên chú ý hơn đến việc cập nhật phần mềm cho máy để máy hoạt động ổn định hơn, việc chơi game đã rất ngon rồi nhưng những trải nghiệm hàng ngày xung quanh chiếc máy này về tính tức thời thì chưa ngon lắm.

Tóm lại, về sức mạnh của bộ đôi là không có điểm nào để chê, Flow X13 và XG Mobile đúng là bộ đôi “chân ái” cho những ai cần một giải pháp có tính di động cao nhưng hiệu năng phải mạnh mẽ. Dĩ nhiên một combo chơi game giá 80 triệu đồng nó phải tốt rồi, nhưng vấn đề của ASUS lúc này đó là làm sao thuyết phục người dùng bỏ ra số tiền ngang với tiền máy để mua XG Mobile, nó mạnh thật đó, nhưng nó chỉ có thể dùng với Flow X13 mà thôi, đó là điểm khiến người dùng vô cùng cân nhắc và mình nghĩ rằng, để giải quyết chuyện này, mình nghĩ rằng ASUS có thể trang bị cổng XG Mobile Connect cho những chiếc laptop khác của mình, khi đó XG Mobile sẽ thực sự có ích. Còn nếu giả sử anh em chỉ mua Flow X13 mà thôi, thì đâu là những thứ tuyệt vời anh em sẽ được nhận?

Thiết kế


review_rog-flowx13_tinhte16.jpg

Thiết kế là điểm nhấn lớn của Flow X13, nó mỏng, nó nhẹ (chỉ 1.3kg) nhưng thiết kế mà ROG làm cho Flow X13 vẫn rất mạnh mẽ và mang chất gaming rõ nét. Mình cực kì thích thiết kế của Flow X13, một cục đen xì nhưng nam tính và mạnh mẽ.

Toàn bộ máy làm bằng nhôm và họa tiết vát chéo rất rõ, từ mặt A cho đến mặt C và D đều là những hoạ tiết kiểu như vậy, nó thể hiện sự mạnh mẽ nhưng mà nhìn nó đồng bộ cho toàn bộ thiết kế chung. Nhìn nó mỏng như vậy nhưng nó cực kì chắc chắn, đạt tiêu chuẩn bộ đền quân đội Mỹ là một phần rồi, nhưng thực sự nó rất cứng và để tìm điểm flex của chiếc máy này rất khó. Mặt C của máy hoàn thiện tương đối khác với phần vỏ bên ngoài, vẫn là hoạ tiết vát chéo như vậy nhưng nó phủ một lớp vật liệu khá là dịu với tay mình, nhưng nó cực kì bám mồ hôi và dấu vân tay, tay anh em nào hay ra mồ hôi dùng lâu sẽ thấy khá là bẩn, nên lau chùi thường xuyên.

Điểm cộng lớn nhất trong thiết kế của máy này, khiến cho nó trở nên là một chiếc laptop cao cấp đó là nó có nam châm hít khi chúng ta đóng và mở nắp máy, đây là một trang bị mà chúng ta chỉ thấy trên những chiếc laptop cao cấp mà thôi, cảm giác khi anh em đóng mở máy sẽ rất khác. Flow X13 vẫn có thể mở máy bằng một tay và bản lề có thể giữ máy ở những góc rất thấp, sự cao cấp của một chiếc laptop thể hiện ở những điểm nhỏ đó.


review_rogflowx13_xgmobile_tinhte28.jpg

Xung quanh phần viền màn hình của máy được ROG hoàn thiện dạng viền cao su chạy hết 3/4 khung màn hình, nó kết hợp với các nấc cao su khác ở 4 góc máy giúp chúng ta khi đóng máy không bị ảnh hưởng đến màn hình bên trong và bụi khó lọt vào hơn (vì là màn hình cảm ứng nên màn hình là rất quan trọng). Sau khoảng nửa năm mình dùng chiếc máy này thì mình thấy viền cao su của máy còn rất cứng và nhìn như mới, mặc dù mình thường xuyên nối máy ra màn hình ngoài để dùng, gập máy lại trong hầu hết thời gian sử dụng, rồi chịu tác động của nhiệt lượng toả ra nhưng nó vẫn còn tốt và bền.

Về bản lề, nó là bản lề xoay gập 360 độ để Flow X13 mang tính đa dụng cao hơn, sử dụng ở nhiều tư thế nhưng thực sự với mình, mình rất ít khi sử dụng máy ở chế độ tablet, chế độ laptop truyền thống vẫn là thứ mình dùng nhiều nhất. Tuy vậy việc xoay gập 360 độ giúp Flow X13 độc đáo hơn trong thế giới laptop gaming. À có một điểm anh em có thể tận dụng được đó là dựng máy ở tư thế túp lều khi kết nối ra màn hình ngoài, sẽ giúp máy mát hơn và trông…ngầu hơn. Còn chất lượng bản lề là tốt, cứng cáp, dù để lên đùi gõ cũng không làm phần màn hình rung lắc.


review_rogflowx13_xgmobile_tinhte25.jpg

Điểm mình chưa ưng ý nhất nếu nói về thiết kế của Flow X13 đó là nó chưa liền lạc lắm ở hai bên hông máy, phần này chứa các cổng kết nối của chiếc máy này. Tuy chúng ta có gần như đầy đủ các cổng kết nối cần thiết, nhưng việc thiết kế khu vực này không liền lạc nên nếu nhìn từ bên hông, máy trông khá là rời rạc và không đẹp. Cảm biến vân tay nằm ở cạnh hông cũng khá là nhỏ, tuy nhiên nó nhạy và phản hồi chính xác.

Màn hình


Màn hình của Flow X13 vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của chiếc máy này. Điểm mạnh là nó có tỉ lệ 16:10, tốc độ làm tươi cao 120Hz và chất lượng hiển thị tốt, đạt 100% sRGB chuẩn Pantone nên sẽ phù hợp nếu anh em làm việc về thiết kế đồ hoạ hoặc làm việc với hình ảnh, video.


review_rog-flowx13_tinhte9.jpg

Điểm yếu của màn hình này đầu tiên đó là kích thước khá nhỏ, 13.4″ FHD mà thôi, ROG Flow có thêm option 4K nhưng tốc độ làm tươi chỉ là 60Hz. Kế đến là phần viền dưới khá dày khiến cho máy trông không quyến rũ lắm, điểm thứ ba là độ sáng khá thấp, chỉ khoảng 300nits và mình dùng chiếc máy này ngoài trời hoặc trong những điều kiện ánh sáng phức tạp khá là khó, cộng với cách hoàn thiện glossy khiến cho việc sử dụng khó khăn hơn. Mình nghĩ ASUS nên nâng độ sáng cho chiếc máy này để giúp người dùng làm việc ngoài trời dễ dàng hơn.

Ngoài độ sáng hơi thấp thì còn một điểm mình nhận ra đó là việc sử dụng màn hình này với những nội dung có mảng màu trắng sẽ rất dễ bị loá mắt và nội dung hiển thị trên nền trắng đó khá là khó nhìn. Màn hình của ROG Flow không hỗ trợ HDR nhưng kiểu hiển thị của nó giống như đang bật HDR vậy. Có lẽ do ROG sử dụng tấm kính Corning Gorilla cũng như việc sắp xếp các tấm nền bên dưới làm cho màn hình cảm giác như vậy.

Bàn phím & touchpad


review_rog-flowx13_tinhte6.jpg

Nếu như màn hình hơi làm bạn hụt hẫng nhẹ thì bàn phím sẽ là điểm cộng lớn bù lại. Từ trước đến nay với mình bàn phím trên laptop cho cảm giác gõ ngon và tốt nhất chỉ có thể kể đến ThinkPad T và HP Elitebook, nhưng có lẽ từ bây giờ mình sẽ thêm chiếc Flow X13 này vào danh sách.

Nếu nhìn sơ qua một chiếc máy mỏng nhẹ như thế này thì ai cũng sẽ nghĩ bàn phím của nó chỉ ở mức tạm và chấp nhận được, mình cũng đã nghĩ như vậy cho đến khi sử dụng nó. Bàn phím của Flow X13 thực sự tốt, mình không nghĩ một chiếc laptop mỏng và nhẹ như Flow X13 lại cho cảm giác gõ tốt như vậy, hành trình lên đến 1.7mm và keycap làm võng rất nhẹ 0.15mm cho cảm giác ôm đầu ngón tay của chúng ta hơn. Layout của Flow X13 cũng rất quen thuộc với những ai đã từng dùng qua laptop gaming của ASUS.


review_rogflowx13_xgmobile_tinhte18.jpg

Bên trên bàn phím cũng có những phím chức năng phục vụ cho nhu cầu chơi game của người dùng, phím bật tắt nhanh hiệu năng, mở trình Armoury Crate, bật tắt microphone (hỗ trợ AI-Noise Cancellation hai chiều). Trải nghiệm của mình khi dùng microphone này để chơi Naraka trong mùa giãn cách rất ổn, đồng đội trong game của mình nghe giọng mình rất rõ và không bị nghẽn tiếng hay có những tiếng ồn xung quanh vọng vào.


review_rogflowx13_xgmobile_tinhte27.jpg

Nói về Armoury Crate thì đây là phần mềm quản lý hiệu năng rất hay trên những chiếc laptop gaming của ROG. Với phần mềm này có thể tuỳ chỉnh rất nhiều mức hiệu năng, từ yên tĩnh nhất cho đến ồn ào nhất, theo dõi các thông số phần cứng bên trong máy và đặc biệt là nếu anh em sử dụng gaming gear của ROG thì nó cũng sẽ tự nhận biết và đồng bộ các cài đặt rất nhanh. Một điểm nữa mình thích ở Armoury Crate đó là tính năng iGPU, đây là tính năng chuyển đổi linh hoạt thông minh giữa GPU rời và GPU tích hợp. Khi không sử dụng XG Mobile thì Flow X13 vẫn còn con card đồ hoạ khá mạnh mẽ là GTX 1650 Max-Q 4GB, nó đủ để làm việc và chơi game nhưng nó sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng, vì vậy iGPU sẽ giúp luân chuyển hợp lý giữa AMD Radeon Graphics bên trong con CPU Ryzen 9 5980HS và GTX 1650 Max-Q để đổi lại cho người dùng một thời lượng sử dụng pin tốt nhất. Về thời lượng sử dụng pin mình sẽ đề cập đến với anh em ở phía dưới.


review_rogflowx13_xgmobile_tinhte20.jpg

Về touchpad của máy, nó có kích thước khá là bé nên trong quá trình sử dụng sẽ không sướng, bù lại nó được phủ kính và độ tracking khá chính xác, chỉ trong một vài tình huống nhất định nó có cảm giác hơi trễ một xíu nhưng không quá đáng kể, còn khi chơi game chúng ta có thể tắt hoàn toàn touchpad này đi.

Thời lượng pin


Viên pin của ROG Flow có dung lượng là 62Wh và thời lượng sử dụng thực tế của mình khi không bật iGPU trong Armoury Crate, tức là chúng ta sẽ sử dụng GTX 1650 Max-Q trong các điều kiện sử dụng thông thường thì sẽ dùng được khoảng 4 tiếng với độ sáng 75%, ở chế độ Silent. Còn nếu bật iGPU và sử dụng nhân đồ họa Radeon tích hợp thì thời lượng sử dụng vào khoảng 5 tiếng cũng với độ sáng 75% và ở chế độ silent.

Nếu xét trong thế giới ultrabook thì ROG Flow X13 có thời lượng sử dụng không bằng những chiếc ultrabook dùng CPU tiết kiệm điện, nhưng xét trong thế giới laptop gaming thì Flow X13 có thời lượng sử dụng rất khá, thực ra với những chiếc ultrabook sử dụng CPU tiết kiệm điện không thể có hiệu năng mạnh mẽ khi cần như Flow X13 với Rzyen 9 5980HS, bản thân con CPU này được AMD hướng đến những chiếc máy mỏng nhẹ nhưng cần hiệu năng mạnh mẽ, như chiếc Flow này cho nên hiệu năng và thời lượng sử dụng phải được cân bằng và do đó, thời lượng pin này là phù hợp với nhu cầu và cách sử dụng của mình.

Sau cùng là….


review_rog-flowx13_tinhte13.jpg

ROG Flow X13 và XG Mobile thực sự là một combo hoàn hảo để chơi game hay làm việc, khi chúng ta bỏ ra đến 80 triệu đồng để đổi lại một giải pháp gia tăng hiệu năng toàn diện thì bộ đôi này xứng đáng với điều đó. Nhưng xét riêng giá trị của từng thiết bị, XG Mobile đang vô hình trung có mức giá quá cao, ngang bằng với chiếc máy này và mình nghĩ rằng, sẽ có rất nhiều anh em chỉ mua laptop mà thôi và như đã nói, ASUS cần phải làm sao thuyết phục người dùng bỏ số tiền đó ra để mua XG Mobile phục vụ cho nhu cầu của mình.

Còn với ROG Flow X13, đây là một chiếc ultrabook đáng giá, với hiệu năng mạnh mẽ, build chắc chắn, màn hình đẹp, bàn phím ngon nhưng thời lượng pin lại không bằng những chiếc ultrabook hàng đầu khác và nó nóng hơn đáng kể. Điều này dẫn tới việc ROG Flow X13 nó không hướng đến một đối tượng người dùng cụ thể nào và khiến nó dễ bị lu mờ đi trong vô vàn những chiếc laptop khác.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/review-rog-flow-x13-va-xg-mobile-rtx-3080-giai-phap-ultrabook-choi-duoc-game-4k-lieu-co-kha-thi.3441988/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *