MSI GP66 Leopard: RTX 3060 dư sức cán mọi game AAA ở FHD

MSI GP66 Leopard sở hữu thiết kế mới, vay mượn từ dòng GE66 Raider, mỏng hơn và đẹp hơn so với thế hệ GP65. Bên cạnh đó thì cấu hình của dòng GP66 Leopard cũng đã được nâng cấp với GPU GeForce RTX 3000 Mobile kiến trúc Ampere, cho hiệu năng chơi game cải thiện.

Thiết kế của GP66 Leopard


tinhte_msigp66 (11).jpg


Chiếc máy này được MSI thiết kế mới hoàn toàn so với GP65 Leopard và không khó để nhận ra những yếu tố vay mượn của dòng GE66 Raider. Nhôm được sử dụng cho nắp máy và nội thất, chiếc máy giờ đây mỏng hơn vài mm so với thế hệ trước nhưng trọng lượng thì nặng hơn một chút, ở 2,38 kg so với 2,30 kg.


tinhte_msigp66 (19).jpg

Kể từ khi MSI áp dụng ngôn ngữ thiết kế mới được hãng gọi là MSIOlogy thì những chiếc laptop gaming của hãng này đã giảm đi các yếu tố gaming. Thiết kế nắp máy của GP66 Leopard đã không còn những đường chỉ đỏ quen thuộc của MSI và cũng không còn logo có đèn, nó chỉ đơn thuần là một mặt màu đen, logo được khắc chìm.


tinhte_msigp66 (12).jpg


Phần bản lề được nâng cấp với phần gù chứa bản lề phía sau, đẩy màn hình về trước và khi mở thì màn hình như treo lơ lửng trước mặt. Với thiết kế này thì bản lề sẽ chịu lực tốt hơn, chúng ta có thể mở máy bằng một tay vì phần bệ nặng hơn so với nắp, bản lề cũng mượt mà hơn và nó cho góc mở khoảng 130 độ.


tinhte_msigp66 (18).jpg


Phần đáy có các feet cao su dày để nâng máy lên tạo khoảng trống lấy gió cho 2 quạt tản nhiệt. Thiết kế nắp đáy máy vẫn là một miếng nhựa nên việc tháo ra để nâng cấp và bảo trì không quá khó. Cơ bản chúng ta có thể thay RAM và gắn thêm ổ M.2 SSD.


tinhte_msigp66 (15).jpg


Cạnh sau của chiếc GP66 Leopard khá đẹp với 2 hốc tản nhiệt lớn, thiết kế tương tự dòng GE66 Raider nhưng nhỏ hơn. Các cổng kết nối có dây như trình xuất và mạng Ethernet được đặt giữa 2 hốc tản nhiệt này, chúng bao gồm cổng nguồn, HDMI, RJ-45 và USB-C. Cổng USB-C này hỗ trợ chuẩn USB 3.2 Gen2 (10 Gbps) và trình xuất DisplayPort, không hỗ trợ Thunderbolt khá là đáng tiếc, nhất là với một chiếc máy ở tầm giá 43 triệu đồng.


tinhte_msigp66 (21).jpg


Các cổng kết nối còn lại được đặt tại 2 cạnh bên gồm cạnh trái có USB-A (USB 3.2 Gen1 5 Gbps) và jack âm thanh 3,5 mm; cạnh phải có thêm 2 cổng USB-A nữa.


tinhte_msigp66 (22).jpg


Ở 2 bên cạnh máy cũng có thêm các khe tản nhiệt, thiết kế đối xứng.

Bàn phím và bàn rê


tinhte_msigp66 (3).jpg


Bàn phím của GP66 Leopard có layout rút gọn kiểu mới đã được hãng sử dụng trên những chiếc laptop 15,6″ trong thời gian gần đây. Layout này không có hệ thống phím số, các phím được làm to hơn, phím điều hướng kích thước tiêu chuẩn và hỗ trợ đèn backlit RGB tùy biến trên từng phím với công nghệ của SteelSeries.


tinhte_msigp66 (27).jpg


Tuy nhiên, chiếc bàn phím này có hành trình khá ngắn dù độ nẩy của phím vẫn rất cao. Thế nên cảm giác nhấn trên chiếc bàn phím này không đã tay, mình vẫn thích hành trình dài 1,7 mm trên bàn phím laptop MSI thế hệ trước hơn.


tinhte_msigp66 (5).jpg


Một số tính năng kích hoạt nhanh được tích hợp vào hàng phím Fn, anh em có thể mở nhanh SteelSeries Engine hay kích hoạt Cooler Boost, mở MSI Dragon Center bằng tổ hợp rất tiện lợi.


tinhte_msigp66 (6).jpg

Bàn rê của GP66 Leopard không có gì đặc biệt, nó có kích thước 10,5 x 6,5 cm, bề mặt được phủ lớp nhám độ ma sát thấp để tăng trải nghiệm sử dụng, thao tác đa điểm cũng thuận tiện hơn và độ trễ thấp hơn với driver Microsoft Precision Touchpad. 2 phím chuột được đặt dưới bàn rê, cảm giác nhấn 2 phím này rất tốt với độ nẩy cao và không cần nhiều lực nhấn.

Màn hình và âm thanh


tinhte_msigp66 (23).jpg


GP66 Leopard 10UE phiên bản mình trải nghiệm được trang bị màn hình 15,6″, tấm nền IPS của LG, độ phân giải FHD (1920 x 1080 px) với tốc độ làm tươi 144 Hz. Chiếc màn hình này có chất lượng rất tốt với độ sáng ở 320 nit, tương phản cao gần 1000:1 và độ bao phủ các dải màu đạt 97% sRGB, 61% AdobeRGB và 100% NTSC. Tấm nền này đã được MSI sử dụng trên dòng GP65 Leopard và chất lượng hiển thị của nó thì mình hoàn toàn hài lòng khi sử dụng để giải trí và làm việc. Ngoài ra thì anh em làm đồ họa không chuyên cũng có thể khai thác chiếc màn hình này nhưng cần phải cân chỉnh lại về màu sắc.


tinhte_msigp66 (24).jpg


Thiết kế viền màn hình khá mỏng khiến chiếc máy 15,6″ gọn đi đáng kể. Tuy nhiên phần viền dưới vẫn còn khá dày và hy vọng trong thời gian tới thì các hãng làm laptop sẽ “gọt” luôn phần viền dưới, chỉ cần xuống 1 cm trên laptop gaming là đã đẹp lắm rồi. Hiện tại một số hãng đã bắt đầu thiết kế màn hình mỏng 4 viền nên những thay đổi trên laptop gaming cũng sẽ sớm xảy ra. Webcam của chiếc máy này có độ phân giải 720p, hình ảnh không rõ nét nhưng đủ dùng cho nhu cầu hội họp hay học trực tuyến.


tinhte_msigp66 (30).jpg


Về âm thanh thì chiếc máy được trang bị 2 loa và vị trí của 2 loa giờ đã được đặt sang 2 bên tức là âm thanh sẽ phát ra 2 bên thay vì hướng xuống dưới như trước đây. Vì vậy, chất lượng âm thanh cũng trở nên tốt hơn về độ lớn lẫn các dải âm. Nahimic cũng cho phép anh em chơi ăn gian 1 chút khi có tính năng sonar để nhận biết hướng âm thanh, từ đó có thể nhận biết tiếng bước chân tốt hơn.

Cấu hình và hiệu năng


tinhte_msigp66 (2).jpg


Về cấu hình thì chiếc GP66 Leopard 10UE này có cấu hình rất tốt trong tầm giá gần 43 triệu đồng. Chúng ta sẽ có vi xử lý 8 nhân, đồ họa với GeForce RTX 3060, 16 GB RAM và 1 TB SSD, chi tiết như sau:

  • CPU: Intel Core i7-10870H (Comet Lake-H) 8 nhân 16 luồng, 2,2 GHz – 4,8 GHz (Turbo Boost 3.0) – 5 GHz (Thermal Velocity Boost), 4,2 GHz toàn nhân, 16 MB cache, TDP 45 W;
  • GPU: NVIDIA®️️️ GeForce RTX™️ 3060 GA106 (Ampere), 30 SM, 3840 nhân CUDA, 30 nhân RT, 120 nhân Tensor, 900 – 1703 MHz (Boost) + 6 GB GDDR6 14 Gbps;
  • RAM: 16 GB (2 x 8 GB Samsung DDR4-3200)
  • SSD: 1 TB Samsung PM991 M.2 2280 PCIe 3.0 x4 NVMe;
  • Wi-Fi: Intel Wi-Fi 6 AX201 (Gig+) + Bluetooth 5.1;
  • LAN: Intel I225-V Ehternet;
  • Pin: 4 cell 65 Whr;
  • OS: Windows 10 Home SL 64-bit.

Core i7-10870H là một con CPU 8 nhân 16 luồng thuộc phân khúc cao cấp, xung nhịp đến 5 GHz (TVB) đơn nhân nhưng không dễ để đạt mức xung này vì nó sẽ đòi hỏi nhiệt độ của CPU khi tải phải ở 70 độ C – rất khó đối với một chiếc laptop có giải pháp tản nhiệt hạn chế như GP66 Leopard, chỉ khả thi với những chiếc máy có tản nhiệt to nạc chẳng hạn như dòng GT của MSI. Trên GP66 Leopard thì mình thấy xung đơn nhân của Core i7-10870H có thể đạt 4,8 GHz theo mức Turbo Boost 3.0 và đa nhân ở 4,2 GHz theo thiết kế.


tinhte_msigp66 (17).jpg


GeForce RTX 3060 cho hiệu năng rất mạnh, có thể nói tương đương với RTX 2070 Super trên laptop. Nó vẫn dùng GPU GA106 nhưng biến thể trên laptop có một số điểm khác biệt so với GA106 trên RTX 3060 bản card rời, điển hình như số nhân CUDA nhiều hơn với 3840 nhân (so với 3584 nhân của RTX 3060 desktop), số nhân Tensor là 120 nhân, nhiều hơn 8 nhân nhưng số nhân Ray Tracing lại ít hơn với chỉ 30 nhân thay vì 48 nhân. Xung nhịp của RTX 3060 Mobile sẽ tùy vào thiết lập điện năng (TGP), với GP66 Leopard thì nó có TGP đến 130 W và như vậy sức mạnh của con GA106 được phát huy tối đa, xung có thể lên đến trên 2000 MHz. Với những gì mà GA106 đã thể hiện trên máy bàn thì mình cũng kỳ vọng nó sẽ mang lại trải nghiệm chơi game cực tốt trên laptop với độ phân giải FHD, đồ họa tối đa với Ray Tracing.

Phần còn lại của cấu hình là 16 GB RAM, chiếc máy có 2 khe SO-DIMM và chúng ta có thể gắn tối đa 64 GB. SSD gắn sẵn là con Samsung PM991 1 TB PCIe 3.0 x4 NVMe, tốc độ của nó là 2300 MB/s đọc tuần tự và 1500 MB/s ghi tuần tự, tốc độ truy xuất ngẫu nhiên khá tốt với 425 MB/s đọc và 358 MB/s ghi. Chiếc máy cũng còn 1 khe M.2 nữa để mở rộng dung lượng lưu trữ với SSD PCIe hoặc SATA.

Trong quá trình xài chiếc máy này thì mình phát hiện ra nhiều điều thú vị. Đầu tiên là 1 pha cập nhật “đi vào lòng người” bởi ngay trước khi cập nhật: máy íu xìu > sau khi cập nhật: máy siêu mạnh! Mình sử dụng chiếc máy này trong gần 1 tuần và ngay trước khi mình viết bài này, MSI cùng Nvidia đã tung ra 2 bản cập nhật, MSI thì cập nhật ứng dụng Dragon Center để điều chỉnh thiết lập hiệu năng cho các chế độ Balanced và Extreme Performance còn Nvidia thì cập nhật driver mới để mở tính năng resizable BAR khiến hiệu năng đồ họa của RTX 3060 cải thiện đáng kể trên chiếc laptop này.

Mình phát hiện ra là bản cập nhật đã sửa lại chế độ điện năng hay mở giới hạn điện năng của CPU, từ đó khiến Core i7-10870H có thể chạy ở các chế độ điện năng PL1 và PL2 với các mức xung cao hơn. Chẳng hạn như với ở chế độ Balanced, trước khi cập nhật thì ở bài test Cinebench R20, Vcore của nó luôn dưới 1 V, tối đa ở 0,974 V và từ đó khiến xung nhịp tối đa của nó khi chạy bài test này chỉ ở 3,7 tối đa và duy trì ở 3,5 GHz. Sau khi cập nhật thì ở chế độ Balanced này, con Vcore tăng lên thành 1,235 V và ở PL1, con CPU chạy ở xung đa nhân đến 4,2 GHz, điện năng tiêu thụ lên 85 W, sau đó cắt xuống dưới 80 W vì giới hạn nhiệt và duy trì ở 4 GHz. Sự chênh lệch về xung đa nhân giữa trước và sau khi cập nhật Dragon Center dẫn đến sự chênh lệch đáng kể về điểm số Cinebench mà anh em có thể thấy rõ trong bảng trên. Ngay cả xung đơn nhân cũng có sự khác biệt dù không nhiều, sau khi cập nhật thì xung đơn nhân của Core i7-10870H duy trì ở 4,5 – 4,6 GHz khi chạy các bài test trênh, chênh 100 MHz so với trước khi cập nhật.

Tương tự với bài test Blender Render và V-RAY 5, sự khác biệt giữa trước và sau khi cập nhật rất rõ ràng. Thời gian hoàn thành 2 bài test BMW và Classroom của Blender đều ngắn hơn tức nhanh hơn, với V-RAY thì tỉ số xử lý mẫu vsamples cũng cao hơn đáng kể so với trước khi cập nhật. Mình test ở cả 2 chế độ hiệu năng thường dùng trên máy là Balanced và Extreme Performance.

Bảng này mình so sánh hiệu năng CPU Core i7-10870H của GP66 Leopard với những chiếc máy hiệu năng cao dùng Core i7-10750H 6 nhân. Sự khác biệt về nhân cho GP66 Leopard phần thắng tuyệt đối ở tất cả các bài test đa nhân.

Vậy có nên xài chiếc máy này để render hay không? Vi xử lý nhiều nhân luôn cho chúng ta nhiều cái cớ để xài với cái này cái kia, với những anh em đang làm việc hay học ngành đồ họa thì mình nghĩ anh em hoàn toàn có thể khai thác con CPU này nhưng cần lưu ý là nó không thể nào “trâu bò” bằng một chiếc máy bàn. Khi chạy render đa nhân thì nhiệt độ của CPU rất cao, có thể lên đến 95 độ C nếu anh em để chế độ Balanced và ở 93 độ C ở chế độ Extreme Performance.


Fan.jpg


2 chế độ này ngoài khác biệt về hiệu năng CPU, GPU thì 2 quạt tản nhiệt cũng hoạt động ở các tốc độ khác nhau nhằm tạo ra sự cân bằng giữa đồ ồn, hiệu quả tản nhiệt và hiệu năng. Nếu anh em muốn dùng chiếc máy này để render thì anh em nên bật Cooler Boost lên. Ở chế độ Balanced, các quạt sẽ quay ở tốc độ tối đa là 4000 rpm, ở Extreme Performance là 5100 rpm và nếu bật Cooler Boost, cả 2 quạt sẽ quay ở tốc độ 6000 rpm và như vậy Core i7-10870H sẽ có thể giữ được nhiệt độ ở 90 độ C. Dù vậy, chúng ta không nên render thường xuyên vì về lâu dài, hệ thống tản nhiệt sẽ trở nên kém hiệu quả và tuổi thọ của CPU cũng giảm đi.

Về hiệu năng đồ họa, RTX 3060 trên chiếc GP66 Leopard trước và sau cập nhật driver mới của Nvidia và MSI Dragon Center cũng có sự thay đổi đáng kể về hiệu năng khi chơi game. Như bảng trên anh em có thể thấy sự khác biệt khi chơi game ở chế độ Extreme Performance trước và sau khi cập nhật driver, fps cải thiện rất nhiều và nó khiến cho những tựa game AAA chơi ở cấu hình cao nhất trở nên dễ dàng với GP66 Leopard.

Trong khi đó sự chênh lệch hiệu năng giữa 2 chế độ Balanced và Extreme Performance khi chơi game không lớn bởi 2 chế độ điện năng này tác động chủ yếu đến CPU, con GPU RTX 3060 vẫn chạy xé gió ở xung nhịp cao nhất. Nó có thể đạt mức xung rất cao, lên đến trên 2000 MHz, khi chơi những game như Control với Ray Tracing tối đa, DLSS bật thì xung của GPU luôn trên 1800 MHz, dao động từ khoảng 1815 MHz đến 1950 MHz, TGP của GPU ở 118 W, vẫn dưới giới hạn 130 W.

Hiệu năng của RTX 3060 được phát huy tối đa trên chiếc máy này và hiệu năng của nó có thể nói tương đương với RTX 2070 Super – một con GPU ở phân khúc cao hơn của thế hệ Turing.


Furmark.jpg


Có một phát hiện nhỏ của mình trong quá trình sử dụng chiếc máy này đó là chúng ta có thể cải thiện hiệu quả tản nhiệt cho GPU chỉ với một cách đơn giản là kê máy lên cao hơn nếu như anh em không muốn bật Cooler Boost. Khi mình stress test Furmark 4K, chế độ Extreme Performance thì nhiệt độ GPU tối đa ở 74 độ C, lúc này quạt phía GPU quay ở 5100 rpm. Khi mình nhấc chiếc máy lên khỏi mặt bàn và dùng một chiếc hộp kê lên thì nhiệt độ GPU bắt đầu giảm xuống còn 72 độ C. Nếu bật Cooler Boost thì nhiệt độ sẽ xuống còn 69 độ C.


tinhte_msigp66 (25).jpg


Riêng nhiệt độ CPU thì khi chơi game, nó sẽ không nóng như khi render bởi các nhân sẽ chạy ở nhiều mức xung khác nhau thay vì duy trì liên tục ở 1 xung. Mình quan sát thấy nhiệt độ khi chơi game của CPU không vượt 90 độ C, tối đa theo quan sát của mình là 86 độ C với chế độ Extreme Performance. Đa phần các game mình chơi là GPU bound nên CPU khá rảnh, xung nhịp của nó thậm chí còn được đẩy xuống 2,3 – 2,5 GHz và như vậy nhiệt độ của nó chỉ vào khoảng 70 độ C. Như hình trên mình đang chơi Wolfenstein: Young Blood với đồ họa Mein Leben đầy đủ Ray Tracing, CPU chỉ chạy ở xung 2,7 GHz trong khi GPU trên 1900 MHz.


PCMark 8 (1).jpg

Pin thì mình không đánh giá cao pin của một chiếc laptop gaming với CPU đến 8 nhân. Thực tế sử dụng ở chế độ Balanced thì con CPU thường chạy ở xung rất cao, ngay cả với các tác vụ văn phòng thông thường đều trên 4 GHz nên thời lượng pin chỉ kéo dài 2 tiếng. Mình dùng PCMark 8 để test pin chiếc máy này ở thiết lập 75% độ sáng, chế độ Balanced thì pin chỉ được 1 tiếng 8 phút.


PCMark 8 (2).jpg


Để kéo dài thời lượng pin thì anh em buộc phải chuyển sang chế độ Silent hoặc Super Battery, lúc này CPU sẽ tự động cắt xung xuống rất thấp, thậm chí chỉ còn 1 GHz, nó phù hợp khi anh em xem phim hay cần pin trụ được lâu hơn khi gần hết. Mình đã thử test lại với chế độ Super Battery, độ sáng giảm xuống còn 25% đủ sáng khi sử dụng dưới ánh đèn văn phòng thì thời lượng pin của chiếc máy đạt 2 tiếng 38 phút với PCMark 8.


tinhte_msigp66 (29).jpg


Nhìn chung chiếc GP66 Leopard rất thú vị đối với mình, đặc biệt là pha “lật mặt” vào khúc cuối trước khi mình viết bài này. Về thiết kế, mình khá thích thiết kế của nó vì nó không màu mè cải lương như xưa, hướng đến được nhiều đối tượng sử dụng hơn. Hiệu năng thì mình không phàn nàn, cả CPU và GPU đều quá mạnh, cán được hầu hết các game AAA ở đồ họa cao, độ phân giải FHD. Vấn đề về nhiệt cũng được MSI xử lý tốt trên chiếc máy này, CPU và GPU không bị đặt vào ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm khi chơi game. Ở mức giá 43 triệu đồng thì mình thấy con GP66 Leopard này rất hợp lý.

Hình ảnh:

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/msi-gp66-leopard-rtx-3060-du-suc-can-moi-game-aaa-o-fhd.3297065/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *