Khi máy gaming đội lốt máy trạm! Giải pháp để anh em qua mắt cô vợ khó tính

Chiếc máy trạm HP Z2 Tower G5 có vẻ ngoài rất đơn giản, văn phòng, thiết kế công nghiệp nhưng khả năng nâng cấp của nó không thua kém gì những chiếc PC tự buidl. Mặc dù trong manual của HP chỉ liệt kê những phần cứng tương thích như card đồ họa Quadro/Radeon Pro hay ổ SSD có hỗ trợ Opal. Tuy nhiên, mình đã lắp các phần cứng thông thường vào máy, nó vẫn chạy bình thường và cho hiệu năng rất tốt. Và thế là chúng ta có một chiếc máy … gaming đội lốt workstation. Anh em nào sợ vợ cằn nhằn về việc mua cái máy đèn lập lòe về để chơi game thì có thể .. trá hình bằng con Z2 Tower G5 này.

Z2 Tower G5 và dòng Xeon W-1200


tinhte_hpz2towerg5_3.jpg


Đây là chiếc Z2 Tower G5 với cấu hình Xeon W-1250P, được bán lẻ tại thị trường Việt Nam với mức giá khoảng 27 triệu đồng. Mình có hỏi HP Việt Nam thì hãng nói có nhiều cấu hình khác chạy Core i, từ i3 đến i9 bởi nền tảng bo mạch chủ là W480 – chipset dành cho Workstation, nó tương tự như Z490 nhưng hỗ trợ thêm dòng Xeon W, thế nên nếu anh em thích có thể thay Core i vào với socket LGA 1200.


Intel-Xeon-W-1200-Series-SKU-Stack.jpg


Với thế hệ Xeon W-1200 thì Intel đã khiến những con Xeon W không còn chạy tà tà như xưa nữa, nó có thể đạt xung đơn nhân đến 5,3 GHz, xung đa nhân cũng lên đến 4,9 GHz với phiên bản cao nhất là Xeon W-1290P. Thế nên ngoài việc không hỗ trợ OC và hỗ trợ đặc thù RAM ECC thì Xeon W-1200 không khác mấy so với Core i thế hệ 10.

Phiên bản Xeon W-1250P có 6 nhân 12 luồng, xung cơ bản 4,1 GHz, xung Turbo Boost 4,8 GHz, 12 MB bộ đệm L3, TDP 125 W. Những con số này anh em thấy có quen không? Nó y chang con Core i5-10600K, giống đến từng li, chỉ khác Core i5-10600K có hỗ trợ OC còn Xeon W-1250P lại không. Vì vậy, hiệu năng của Xeon W-1250P hứa hẹn sẽ tương đương Core i5-10600K nếu anh em để nó chạy ở xung mặc định không OC.


tinhte_hpz2towerg5_8.jpg


Chạy trên nền tảng bo mạch chủ W480 thì Xeon W-1250P cung cấp 16 lane PCIe 3.0 và chipset W480 cấp thêm 24 lane PCIe 3.0 nữa. Chiếc bo HP thiết kế cho Z2 Tower G5 có khả năng nâng cấp linh kiện khai thác lane PCIe 3.0 phong phú với 2 khe M.2, 2 khe PCIe x16, 2 khe PCIe x4. Trong máy có sẵn một ổ M.2 PCIe 3.0 x4 NVMe SK Hynix PC601 256 GB, mình gắn thêm 2 ổ SSD nữa gồm 1 ổ WD Black SN750 1 TB PCIe 3.0 x4 NVMe và 1 ổ WD Black AN1500 1 TB PCIe 3.0 x8 NVMe.


tinhte_hpz2towerg5-4.jpg


Kết quả là các ổ đều nhận, ổ WD Black SN750 EKWB chạy đủ 4 lane PCIe 3.0 từ khe M.2 thứ 2 trên bo. Riêng ổ AN1500 thì nó chỉ được cấp 4 lane qua khe PCIe x16 thay vì 8, vì vậy tốc độ của nó sẽ bị giới hạn. Bên trong AN1500 bản 1 TB này là 2 ổ 512 GB PCIe 3.0 x4 chạy RAID 0 nên tốc độ đọc và ghi của nó sẽ rất cao, lên đến 6500 MB/s đọc và 4100 MB/s ghi.


tinhte_hpz2towerg5-3.jpg


CrystalDiskmark.jpg


Vì vậy, kết quả là chiếc ổ WD Black AN1500 chỉ có thể chạy ở 1/2 tốc độ do thiếu 1/2 băng thông. Dù vậy, tốc độ này vẫn tương đương với ổ PCIe 3.0 x4 nên anh em nếu muốn vẫn xài được, vẫn rất nhanh.


tinhte_hpz2towerg5-5.jpg


Xeon W-1250P hỗ trợ RAM DDR4-2666, RAM gắn sẵn theo máy chạy được ở tốc độ 2666 MT/s, tương đương với tốc độ RAM hỗ trợ của Core i5-10600K. Nếu anh em chọn Core i7/i9 hay Xeon W-1270/1290 thì tốc độ RAM hỗ trợ đạt 2933 MT/s. Mình đã gắn thử 2 thanh RAM 8 GB G.Skill TridentZ DDR4-3600 CL16 vào thay cho cây RAM gắn sẵn thì nó chỉ chạy ở 2133 MHz thay vì 2666 MHz. Như vậy để có thể đạt được tốc độ RAM tối đa trên chiếc Z2 Tower G5 thì anh em cần phải mua RAM đúng trong danh sách hỗ trợ của dòng máy này, không thể vào BIOS để bật XMP được vì BIOS của chiếc máy này không có.


tinhte_hpz2towerg5-6.jpg


Về card đồ họa, cần lưu ý là chiếc Z2 Tower G5 có 2 tùy chọn PSU là 500 W và 700 W. Phiên bản mình xài dùng PSU 500 W 80 Plus Gold. HP liệt kê rất nhiều tùy chọn card đồ họa Quadro/Radeon Pro có thể xài với chiếc máy này nhưng thoải mái nhất vẫn cần nguồn 700 W. Những chiếc card đồ họa chuyên nghiệp như Quadro thường có TGP thấp hơn so với các biến thể chơi game dòng GeForce. Với nguồn 500 W như vậy thì mình tính toán nó chỉ đủ để kéo những chiếc card đồ họa có TGP dưới 200 W, chẳng hạn như RTX 2060 Super bản Founders Edition hay GTX 1660 Super.


tinhte_hpz2towerg5_13.jpg


Ban đầu mình gắn GTX 1660 Super thì hệ thống nhận ngay, vào chơi game ngon lành không gặp vấn đề gì. Thế nhưng khi mình gắn RTX 2060 Super thì khi khởi động lên, hệ thống báo lỗi 901 – lỗi case fan! Tìm hiểu một hồi thì mình biết được rằng đây là cơ chế an toàn, khi gắn card đồ họa công suất lớn, hệ thống muốn đảm bảo khả năng tản nhiệt nên nó yêu cầu phải lắp thêm quạt. Trên bo mạch chủ có một header 4 pin gắn thêm quạt trước mà mình đã phát hiện ra trong bài mổ xẻ phần cứng tại đây. Nếu anh em chọn cấu hình có card đồ họa sẵn thì HP cũng sẽ gắn thêm 1 quạt trước 90 mm, như vậy điều mình làm là đơn giản gắn thêm một quạt cho nó.


tinhte_hpz2towerg5-8.jpg


Hý hửng lôi quạt NZXT hàng bãi mình hay xài ra thì phát hiện cái header 4 pin này trông thì tiêu chuẩn nhưng cái ngàm định hướng và cố định chân cắm quạt lại làm hơi to hơn so với kích thước chuẩn trên chân cắm quạt thông thường. Mình buộc phải gọt 2 cái gờ định hướng trên chân cắm quạt đi để cắm vừa. Do mình không có quạt nhỏ, toàn 120 mm nên mình buộc phải gá nó tạm bợ như vậy, cốt là để qua mặt cái cơ chế an toàn của BIOS. Nếu anh em mua quạt 90 mm thì mọi chuyện vô cùng đơn giản, không gian phía trước thùng vẫn đủ gắn hay thậm chí là gắn được quạt 120 mm dạng mỏng.

Thử nghiệm hiệu năng chơi và làm


Giờ thì mình test nhanh cho anh em xem hiệu năng của nó, coi có giống như đang xài 1 con Core i5-10600K với RTX 2060 Super không nhé. Lần trước mình có build một dàn máy màu trắng dịp noel năm ngoái với cấu hình này nên so sánh luôn. Mình test game cùng với bài test cho Workstation là SpecviewPerf 13 với loạt ứng dụng CAD/CAM cho anh em có nhu cầu làm đồ họa chuyên nghiệp tham khảo luôn. Tóm tắt lại cấu hình:


tinhte_hpz2towerg5_9.jpg


HP Z2 Tower G5 với:

  • CPU: Intel Xeon W-1250P 6 nhân 12 luồng (Comet Lake-W), 4,1 GHz > 4,5 GHz 6 nhân (Turbo Boost 2.0) > 4,8 GHz đơn nhân (Turbo Boost 3.0), 12 MB cache L3, TDP 125 W;
  • MOBO: HP W480;
  • RAM: 2 x 8 GB G.Skills TridentZ DDR4-3600 CL16 nhưng chạy ở 2133 MHz;
  • SSD: SK Hynix PC601 256 GB PCIe 3.0 x4 NVMe + WD Black SN750 EKWB 1 TB PCIe 3.0 x4 NVMe + WD Black AN1500 1 TB PCIe 3.0 x8 NVMe;
  • VGA: Nvidia GeForce RTX 2060 Super Founders Edition;
  • PSU: HP 500 W 80 Plus Gold;
  • Cooler: Tản nhiệt khí 2 quạt 90 mm.

Đầu tiên với Cinebench R15 và R20, Xeon W-1250P cho hiệu năng đa nhân cực kỳ tốt, vượt cả Core i5-10600K chạy mặc định. Những con số rất thú vị, ở Cinebench R20, Xeon W-1250P chạy đa nhân ở 4,5 GHz, tương đương Core i5-10600K để mặc định nhưng nó lại cho hiệu năng cao hơn đáng kể, thậm chí vượt cả Core i5-10600K khi đã OC lên 4,8 GHz toàn nhân. Với Cinebench R15, Core i5-10600K khi OC 4,8 GHz toàn nhân chỉ vượt Xeon W-1250P tầm 50 điểm. Hiệu năng đơn nhân của Xeon W-1250P cũng rất ấn tượng, con Xeon dễ dàng đạt xung đơn nhân ở 4,8 GHz ở PL1 và thường duy trì mức xung 4,7 GHz đơn nhân khi thực hiện các bài test này.

Mình đã cho chạy nhiều lần các bài test CB 20 và CB 15, điều mình nhận thấy là hiệu năng nó được duy trì rất tốt, không có sự chênh lệch nhiều giữa các lần chạy, thậm chí hiệu năng đơn nhân hầu như không sụt giảm. Tới lúc này mình nghĩ, một chiếc máy trạm như Z2 Tower G5 hay máy trạm nói chung đã được các kỹ sư tối ưu cực kỳ tốt và test rất kỹ nhằm đảm bảo hiệu năng hệ thống qua thời gian. Vì vậy kết quả này xứng đáng với chi phí mà chúng ta bỏ ra.

Cần lưu ý là chiếc máy trạm của HP dùng tản nhiệt khí, một chiếc tản nhiệt không quá lớn với chỉ 1 quạt 90 mm hiệu năng cao đặt trên heatsink trong khi đó dàn máy chạy Core i5-10600K trước đó mình xài tản nhiệt nước AIO 360 mm của IDCooling. Khi chạy Cinebench R20 đa nhân 4,5 GHz, nhiệt độ cao nhất của Xeon W-1250P ở 80 độ C, nó ăn tối đa 110 W với Vcore ở 1,31 V. Trong khi đó với Cinebench R15, nhiệt độ cao nhất ở 76 độ C, Vcore 1,291 V và nó ăn tối đa 105,5 W. Trong khi đó, con Core i5-10600K lại ăn điện ít hơn, chạy Cinebench R20 ở 4,5 GHz toàn nhân, nó chỉ ăn 98 W, Vcore 1,195 V và nhiệt độ thì hiển nhiên mát hơn đáng kể nhờ tản nhiệt nước AIO, chỉ 62 độ C. Tuy nhiên, hệ thống tản nhiệt khi trên Z2 Tower G5 là đủ để duy trì hiệu năng của nó về lâu dài. Mình luôn đánh giá cao tản nhiệt khí của những chiếc máy trạm bởi nó thuộc hàng “thửa riêng” rất chất lượng.

Với các bài test render khác như Corona hay V-RAY 5 và Blender, Xeon W-1250P đều cho hiệu năng tốt hơn so với Core i5-10600K. Xeon W-1250P hoàn tất bài test Corona trong 144 giây trong khi Core i5-10600K mất 152 giây dù đã OC 4,8 GHz toàn nhân, tốc độ xử lý Ray/s của Xeon W-1250P cũng cao hơn với 3,3 triệu Ray/s trong khi Core i5-10600K khi đã OC 4,8 GHz toàn nhân là 3,1 triệu Ray/s.

Với V-RAY 5, Xeon W-1250P cũng cho hiệu năng chênh lệch 6,4% so với Core i5-10600K và đặc biệt hơn là Blender 2.83 với 2 nội dung render là BMW và Classroom, Xeon W-1250P hoàn tất bài test BMW trong 229 giây, nhanh hơn hẳn 25 giây so với Core i5-10600K ở xung mặc định và cũng nhanh hơn 8 giây khi đã OC 4,8 GHz. Với bài nội dung Classroom nặng hơn, thời gian hoàn tất của Xeon W-1250P là 720 giây, ngắn hơn đến 30 giây so với Core i5-10600K dù đã OC 4,8 GHz toàn nhân. Cần phải nói là Xeon W-1250P đang chạy kit RAM DDR4-3600 ở tốc độ chỉ 2133 MHz, chậm hơn nhiều so với kit RAM trên dàn Core i5-10600K mà mình test là T-Force Delta RGB 3200 CL16. Mình cũng thật sự ngạc nhiên bởi cả 2 dàn máy đều test với cùng 1 phiên bản Windows 10, các phần mềm test mình cũng chọn phiên bản tiêu chuẩn như Corona 1.3, V-RAY 5 và Blender 2.83 dù giờ đã là 2.92 để đảm bảo tính đối chiếu cao nhất.

Quan sát nhiệt độ của CPU khi thực hiện các bài test này thì Xeon W-1250P chạm ngưỡng 85 độ C tối đa, trung bình 81 độ C khi chạy Blender, Vcore 1,36 V tối đa, trung bình 1,26 V. Các bài test còn lại Vcore chỉ cần 1,35 V và nhiệt độ cũng thấp hơn ở 80 độ C.

Hiệu năng encode của Xeon W-1250P thì lại kém hơn so với Core i5-10600K. Ở bài test Handbrake cho chuyển đổi clip Big Buck Bunny 4K@60fps sang 1080p@30fps bằng preset Very Fast 1080p thì thời gian hoàn thành lâu hơn 24 giây so với Core i5-10600K chạy ở xung 4,5 GHz mặc định và lâu hơn 34 giây so với xung OC 4,8 GHz.

Xeon W-1250P chơi game được không?


Câu trả lời mà mình có là dư sức, lần này do driver GeForce trên chiếc Z2 Tower G5 mình đã cập nhật bản mới nhất nên nó sẽ khiến hiệu năng của RTX 2060 Super chênh lệch nhưng không quá nhiều. Anh em xem tham khảo là chính nhưng mình đảm bảo chơi game ngon lành không thua gì Core i5-10600K hay các phiên bản non K khác của thế hệ Comet Lake.

Anh em có thể thấy với loạt game AAA, game nặng lẫn game nhẹ thì Xeon W-1250P với RTX 2060 Super vẫn có thể bắt kịp hay thậm chí hơn về hiệu năng của combo Core i5-10600K với RTX 2060 Super. Điều đáng chú ý là hiệu năng chơi game của Xeon W-1250P khá ngang bằng với Core i5-10600K khi đã OC 4,8 GHz toàn nhân ở một số game. Thâm chí có một số tựa game, Xeon W-1250P còn cho hiệu năng tốt hơn cả Core i5-10600K, chẳng hạn như The Division 2 hay Wolfenstein: Young Blood.

Với những kết quả trên thì anh em đã tự trả lời được câu hỏi Xeon giờ có chơi game được hay không nhen. Thực tế hồi xưa Xeon xung thấp không tối ưu cho game, giờ xung cao chót vót thì hiệu năng chơi game của nó cũng ngang ngửa với Core i chớ không thua kém gì mấy.

Xeon W-1250P làm việc ngon không?

Nếu như game là thế mạnh của Core i thì những tác vụ Workstation lại là thế mạnh của Xeon W. Mình đã test SpecviewPerf 13 với một loạt các ứng dụng chuyên nghiệp như 3DS Max, Maya, Solidworks … và kết quả như anh em có thể thấy, Core i5-10600K khó có thể so bì với Xeon W ở những nội dung như Creo – một ứng dụng vẽ mô hình 3D của PTC hay Maya của Autodesk. Dù vậy, Core i5-10600K nếu anh em OC lên 4,8 GHz thì nó vẫn có những ưu thế hơn so với Xeon W-1250P, đặc biệt ở những ứng dụng cần xung cao như 3DS Max hay Autodesk Showcase. Anh em xài các ứng dụng CAD/CAM với card GeForce như RTX 2060 Super thì nó sẽ không ngon bằng card Quadro bởi nó không tối ưu.


tinhte_hpz2towerg5-7.jpg


Sau khi xài con HP Z2 Tower G5 này để chơi game và chạy thử nhiều thứ thì mình thấy thích nó. Thật sự là một cái máy dòng chuyên nghiệp nhưng tiềm năng và hiệu năng của nó tốt không thua gì những chiếc máy tự build hiệu năng cao. Anh em có thể thấy một chiếc tản nhiệt khí nhỏ, quạt 90 mm nhưng lại khiến con Xeon W-1250P chạy rất ổn định, nhiệt độ ở ngưỡng 80 độ C. Dàn VRM của chiếc bo được thiết kế quá tối ưu, điện áp ổn định và cục nguồn chỉ 500 W nhưng công suất đủ kéo những chiếc card đồ họa như RTX 2060 Super. Khả năng tương thích phần cứng không hề kém, cắm vào là chạy nhưng nếu so với máy phổ thông thì Z2 Tower G5 vẫn thiếu vài thứ. Chẳng hạn như BIOS không cho phép chúng ta tùy biến nhiều, không bật được XMP cho RAM như những chiếc bo W480 bán ngoài, không điều khiển được quạt. BIOS tự động kiểm soát rất nhiều thành phần với mục tiêu an toàn và bền bỉ.


tinhte_hpz2towerg5_21.jpg


Vì vậy nếu anh em chỉ muốn một chiếc máy hiệu năng cao, độ bền cao thì Workstation như Z2 Tower G5 là lựa chọn không tồi đâu, dòng này bảo hành chính hãng 3 năm lận.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/khi-may-gaming-doi-lot-may-tram-giai-phap-de-anh-em-qua-mat-co-vo-kho-tinh.3323307/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *