Đánh giá Horizon Forbidden West: Đúng là không khác gì Tây Du Ký

Thế kỷ thứ XVI, Ngô Thừa Ân phác thảo kiệt tác Tây Du Ký, kể lại chuyện bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, vượt qua 81 kiếp nạn để đến được Tây Trúc. Năm 2022, chúng ta có Horizon Forbidden West, một tác phẩm nơi nhân vật chính cũng cùng với những người bạn đồng hành Tây tiến, để đi tìm lời giải cứu lấy trái đất một lần nữa, sau khi đã từng thành công trong phần 1, ngăn chặn được trí thông minh nhân tạo của nghìn năm về trước hủy diệt mọi sự sống.

Tại sao lại so sánh một tác phẩm ra mắt cách đây 5 thế kỷ, và một tác phẩm ngày 18/2 tới mới phát hành? Đấy là vì, cá nhân mình cảm thấy sự tương đồng của chúng rõ ràng quá, chỉ khác là trong truyện, đồ đệ của Đường Tam Tạng ngoài việc cứu thầy ra thì hầu như cũng không có nhiệm vụ nào khác, còn trong Forbidden West, thì cô nàng Aloy về cơ bản phải đi sân si chuyện của cả thế gian để hoàn thành nhiệm vụ.



Những đoạn trailer từng được Sony công bố trước đây đều mô tả tóm tắt cốt truyện, một căn bệnh tên là “red blight” đe dọa một lần nữa phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái cả trái đất, và Aloy lại phải lên đường cùng những người bạn cũ, và cả những người bạn mới làm quen trên chuyến hành trình, để đi tìm cho bằng được lời giải và cách cứu môi trường sống của muôn loài, từ con người, động thực vật cho đến những robot sinh học. Cũng có lý do khiến Sony rất dè dặt trong việc hé lộ cốt truyện của game, đó là vì kể ít hơn thì thiếu, cảm giác không cuốn hút để mọi người mua đĩa. Nhưng mà chỉ cần kể thêm một hai câu liên quan đến lý do đại dịch red blight bùng phát thì lại thành thừa, lộ hết bí mật, anh em không còn mục tiêu để khám phá cốt truyện nữa.



Thành ra, Forbidden West chỉ đặt tiền đề Tây tiến đơn giản vậy thôi, nhưng bù lại, ngay từ những giờ phút đầu tiên, trải nghiệm game đã vô cùng gay cấn và cuốn hút, khi cùng lúc Aloy phải lo đến mấy việc cùng một lúc, hệt như cái kết của Zero Dawn. Lý do cũng đơn giản, phần 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phác họa nền tảng của thế giới năm 3000, một nghìn năm sau thảm họa robot tuyệt diệt muôn loài, cũng như giải thích hết cho người chơi lý do vì sao con người lại tiến hóa ngược thành những bộ lạc, những kinh đô đúng chất thời trung cổ, hay tại sao lại có những cỗ máy dưới dáng vẻ của những loài động vật đa dạng khắp mọi nơi.



Xây dựng từ nền tảng của một trong những game xuất sắc nhất năm 2017, nói nhiệm vụ làm phần 2 của Guerrilla Games dễ thì cũng đúng, vì nền tảng đã quá vững chắc, nhưng khó thì cũng rất khó, vì cái bóng của phần 1 đã tương đối lớn, Aloy và Horizon đã trở thành một trong những thương hiệu của nhà PlayStation, làm phần 2 giống hoặc khác phần 1 quá đều cũng sẽ dẫn đến những phàn nàn của người chơi. Đọc trên Reddit nhiều anh em kỳ vọng phần 2 sẽ có những nâng cấp kinh khủng lắm, đến mức mình cũng không biết nếu chiều lòng tất cả các fan hâm mộ, thì không biết Forbidden West sẽ thành ra cái gì nữa.

Cũng may, những nâng cấp trong gameplay của phần 2 đủ để lột xác trải nghiệm làm thợ săn máy móc của Aloy lên một tầm cao mới, có chiều sâu hơn, và đương nhiên là thử thách hơn. Nhưng hãy nói về thế giới mở của Forbidden West trước đã, vì mình nghĩ rằng, bở Tây nước Mỹ của thế kỷ 31 xứng đáng trở thành một nhân vật chính đầy sức sống của cả trò chơi.



Nếu như ở phần 1, bối cảnh Trung Mỹ hoang sơ không cho phép các nhà phát triển game phô diễn sự đa dạng về cảnh vật, khi hầu hết những gì anh em được trải nghiệm đều chỉ là những cánh rừng rậm hoang sơ, những đỉnh núi tuyết phủ trắng, điểm xuyết giữa không gian ấy là những cứ điểm của loài người sinh sống như những bộ lạc. Thỉnh thoảng lắm mới thấy được những tàn tích đổ nát của nền văn minh “cổ xưa” nằm rải rác trên khắp bản đồ. Nhưng ở phần 2, càng đi gần về bờ Tây phía bờ biển, càng gần với những khu đô thị hay những thành phố lớn, Forbidden West, với dung lượng ngót nghét gần 100GB trên PS5, thể hiện những tòa nhà đổ nát, những kỳ quan của thời đại cũ, những cao ốc chọc trời bị thiên nhiên chiếm lại, tất cả đặt trên nền thế giới mở đầy đa dạng, đủ hết rừng vàng biển bạc, sa mạc thăm thẳm hay những vùng đầm phá lầy lội.











Điểm cộng rất lớn của phần 2, và cũng là nguyên nhân game có dung lượng khủng chẳng kém gì Red Dead Redemption 2 chính là ở chỗ đó. Guerrilla không “tái chế” bất kỳ công trình nào trong game cả, mà mỗi nơi lại có sự độc đáo nhất định. Từ sa mạc Nevada, ở chính giữa là “sin city” Las Vegas, hay xa hơn nữa về hướng bờ biển là San Francisco, những địa danh có thật được phác họa lại thông qua trí tưởng tượng của các nghệ sỹ, biến chúng thành những tàn tích của thời kỳ cũ.

Bản chất sự đa dạng này cũng được thể hiện ở chính những bộ lạc trong game. Có bộ lạc lấy cảm hứng từ những bộ lạc châu Phi, nương nhờ thiên nhiên mà sinh sống. Cũng có bộ lạc giống hệt như thổ dân da đỏ châu Mỹ, máu chiến một cách khó hiểu. Và cũng có bộ lạc lành hiền hệt như những người dân bám biển ở vùng châu Đại Dương. Không phải lúc nào mô tả họ cũng chính xác, nhưng chính cái khuôn mẫu của từng bộ tộc như vậy lại khiến game trở nên đa dạng hơn về mặt văn hóa, cùng lúc gửi gắm thông điệp mang tính xã hội, rằng con người mỗi vùng một khác, có được hòa bình hay không phụ thuộc vào khả năng nhìn nhận và thấu hiểu thế giới quan của nhau.



Kết hợp với sự đổi mới trong thế giới mở chính là sự đổi mới trong lối chơi.

Thật sự không thể bỏ qua tác động quá lớn của Breath of the Wild đối với nghệ thuật phát triển game thế giới mở đương đại. Những đột phá về mặt sáng tạo trong cuộc phiêu lưu trên Nintendo Switch đã khiến không ít người phải học hỏi theo, và Forbidden West là một ví dụ. Nếu như phần trước, anh em gần như bị trói chân dưới mặt đất, thì bây giờ hầu hết mọi ngọn núi, mọi vách đá đều cho anh em trèo, với những vách bám được đánh dấu rất tiện khi ấn nút dùng chiếc máy Focus lắp trên thái dương. Cùng với đó, chiếc dù lượn cũng khiến việc chinh phục độ cao và mọi địa hình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Hai ý tưởng này không đến từ BotW, thì còn từ đâu ra nữa?





Nhưng trong khi đó, cảm giác đi… hack Bạch Long Mã để cưỡi vẫn là thứ chỉ có Horizon mới có. Thích cưỡi trâu máy, hươu máy hay thậm chí là cả… tê giác máy, miễn là anh em hoàn tất những nhiệm vụ giải đố tên là Couldron, những căn hầm sản xuất quy mô lớn robot sinh học của dự án Zero Dawn. Sau đó chỉ cần lén lén vòng ra sau những chú trâu máy giữ nút tam giác để hack, thế là có một phương tiện rất vui vẻ, dù không nhanh như leo núi vì phải bám đường mòn, nhưng đi ngắm cảnh trong Forbidden West rồi lang thang chụp ảnh vẫn luôn là khía cạnh hút hồn các fan của Horizon, trong đó dĩ nhiên có cả mình nữa.



Có điều, thứ hiếm khi diễn ra trong game, chí ít là đối với mình, nhưng được Sony quảng cáo khá tất tay khi giới thiệu game chính là việc khám phá thế giới dưới đại dương. Phải thừa nhận chất lượng mặt nước của Forbidden West là một bước tiến khá xa so với Zero Dawn, nhưng hầu hết thời gian mình chỉ toàn chạy bộ chứ không đi bơi nhiều như tưởng tượng.





Cơ chế chiến đấu của game cũng là một bước tiến rất xa khác. Giờ đây ngoài việc kết hợp những món vũ khí theo từng yếu tố như lửa, nước, điện, băng hay độc, kết hợp cả khả năng bắn cung và óc chiến lược đặt bẫy để hạ gục robot nhanh nhất có thể, Aloy giờ còn có cả một dàn những kỹ năng chủ động kích hoạt bằng nút R1, gọi là Valor Skill. Cùng với đó, mọi trang bị từ vũ khí đến áo giáp đều có thể được nâng cấp, càng cao thì chỉ số càng đẹp, và vì quá trình nâng cấp này yêu cầu những linh kiện từ nhiều dạng robot khác nhau, nên anh em cũng phải chăm chỉ đi săn chứ không chỉ đơn giản chạy đi làm nhiệm vụ cho xong cốt truyện.

Robot của phần này cũng rất mới và rất đa dạng, từ những chú rùa máy, voi máy, đà điểu máy… với ưu nhược điểm khác nhau, đòi hỏi anh em phải hiểu rõ những yếu điểm để khai thác hiệu quả. Chiến đấu trong phần này, kể cả ở những độ khó thấp nhất, cũng tương đối thử thách, khi anh em không chỉ đơn giản bắn cung vào robot là xong, vì chúng vừa trâu máu, vừa hung hãn, sẵn sàng tiếp cận Aloy rất nhanh, mà nếu không thì cũng có những kỹ năng tầm xa như bắn súng hay thả bom rất khó chịu.



Còn thứ mình thích nhất của Forbidden West về mặt gameplay chính là cây kỹ năng. Anh em sẽ không phải học lại những kỹ năng hồi mới tập tọe làm thợ săn như ở phần 1 nữa. Thay vào đó những kỹ năng mới sau khi lên level đều là những phiên bản nâng cấp của các kỹ năng cũ, giúp quá trình Tây tiến trở nên dễ dàng hơn. Dù vậy càng về cuối, level của robot càng tiệm cận gần với level của anh em, nên cũng không mấy khi game dễ thở, mà thay vào đó, anh em càng nhẫn nại chờ robot quay lưng rồi đâm lén một cách êm ái, thì những thử thách trong game càng dễ vượt qua. Dù vậy, không phải lúc nào cũng có thể chơi kiểu lén lút, vì Forbidden West có những màn đấu trùm đối đầu trực tiếp, ví dụ như cái con phun độc to tướng ở dưới đây chẳng hạn:



Trên PS5, game có hai chế độ hiển thị đồ họa, 4K 30 FPS và Dynamic Resolution 60 FPS. Phải thừa nhận, dù những tấm screenshot trong bài đánh giá này của mình thực sự rất đẹp, nhưng đồ họa lại là thứ ngăn cản Forbidden West đạt điểm tuyệt đối. Trong những cảnh hành động, 60 FPS luôn là tiêu chuẩn vàng trong ngành game, nhưng trò này ở chế độ Performance 60 FPS lại nhiều răng cưa quá, nên nhiều lúc mình lấn cấn không biết có nên chuyển sang chế độ Quality 30 FPS để chơi cho đẹp hay không.

Cùng với đó, ngay cả khi ứng dụng SSD tốc độ cao của PS5, anh em vẫn sẽ phải đợi tải màn chơi, thứ hiếm khi hiện diện với những game phát triển riêng cho cỗ máy của Sony, và thậm chí trong khi chơi, tình trạng pop-in vì asset đồ họa không kịp tải xong vẫn xảy ra khá thường xuyên. Đôi khi đến gần, chờ vài giây thấy cả tòa nhà to đùng hiện ra cũng không phải là chuyện lạ. Cái này có thể sửa được bằng bản vá lỗi sau này, nhưng chí ít là ở bản game review mình nhận được từ phía Sony, đó là điểm trừ không thể lờ đi.



Nhưng ở khía cạnh chất lượng đồ họa, thì Forbidden West đẹp, rất đẹp và đa dạng về mặt mỹ thuật. Mình chưa có thời gian chơi thử bản game trên PS4 (vì chơi 30 tiếng mới xong cốt truyện và tương đối nhiệm vụ phụ, chứ chưa platinum được), nên sẽ có bài so sánh riêng sau. Còn xét riêng tới bản PS5, thì độ chi tiết và độ chân thực của mọi mô hình trong thế giới ảo đều ở tầm xuất sắc. Trong đó, điểm cộng lớn nhất phải nhắc đến chất lượng gương mặt của nhân vật. Từ chi tiết da dẻ trên khuôn mặt, cho đến cử động nhép môi theo lời thoại hay cử động gương mặt, những chi tiết đó là những điểm tiến bộ mà Forbidden West vượt xa so với Zero Dawn.











Với Forbidden West, Guerrilla Games đã chứng tỏ thành công rực rỡ của Zero Dawn hoàn toàn không phải ăn may. Dựa trên những chi tiết đã tạo ra thành công của phần 1, các nhà làm game Hà Lan đã xây đắp thêm những thứ mới mẻ, giúp phần 2 thậm chí còn cuốn hút hơn nhiều. Thậm chí đến cả những nhiệm vụ phụ tầm thường nhất cũng đều được thiết kế để người chơi đủ cảm hứng hoàn thành hết, khi chúng đều không quá đơn giản, nhưng lại không quá rối rắm đến phát bực.

Trên hết, cốt truyện của game thực sự sẽ khiến người chơi bàn tán, hệt như cái cách phần 1 diễn tả lại ngày tận thế 1000 năm về trước cũng như nguồn gốc của chính cô nàng Aloy. Những đoạn hội thoại của game xứng đáng để ngồi nghiền ngẫm và xâu chuỗi thành một pho bách khoa rất giàu chi tiết, tạo ra chiều sâu rất riêng về mặt nội dung của thế giới do các nhà làm game ở Guerrilla sáng tạo ra. Aloy dù vẫn có những giây phút thiếu kiên nhẫn, nhanh nổi nóng, nhưng cô nàng đã trở nên thông thái hơn phần 1 rất nhiều, không ngơ ngẩn chẳng biết gì như hồi đầu phần 1 nữa.

Kết lại, những đổi mới và sáng tạo trong Forbidden West là đủ để tạo ra một phần game mới hấp dẫn và thuyết phục hơn, cùng lúc không quá xa rời những gì đã khiến anh em yêu mến phần 1. Nó đủ cuốn hút để khiến các fan của dòng game nhập vai đốt 60 đến 70 tiếng đồng hồ chỉ để hoàn thành mọi thử thách, mọi nhiệm vụ trong game. Nếu anh em yêu mến phần 1, mê mẩn cuộc hành trình của Aloy trong Zero Dawn, thì không có lý do gì để bỏ qua phần 2 cả.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/danh-gia-horizon-forbidden-west-dung-la-khong-khac-gi-tay-du-ky.3476407/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *