ĐÁNH GIÁ ĐIỆN THOẠI MOTOROLA DROID BIONIC

Rate this post

Thông Số Kỹ Thuật

  • Nhà sản xuất: Motorola
  • HĐH: Android 2.3.4 Gingerbread
  • CPU: 1GHz lõi kép
  • Màn hình: TFT 4.3 inch
  • Độ phân giải: qHD 540 x 960 pixel
  • RAM: 1 GB
  • Kết nối: 3G, LTE, Wi-Fi 802.11 b/g/n, DLNA, Wi-Fi hotspot, Bluetooth 2.1 A2DP, EDR
  • Định dạng video: MP4, WMV, H.263, H.264
  • Định dạng nhạc:MP3, WAV, WMA, AAC
  • Tính năng khác: SNS tích hợp, la bàn số, cảm biến gần, gia tốc kế, Geo-tagging, nhận diện khuôn mặt, chụp ảnh chống rung
  • Pin: Li-Ion 1735 mAh
  • Kích cỡ: 127.5 x 66.9 x 11 mm
  • Trọng lượng: 158.8 g
  • Ngày ra mắt: 8/9/2011
  • Máy ảnh chính: 8 megapixel
  • Máy ảnh phụ: 
  • Lưu trữ: 16 GB
Ưu điểm:
  • +Thiết kế mỏng, bóng bẩy
  • +Màn hình qHD 4.3-inch, bộ nhớ lõi kép và hỗ trợ 4G
  • +Thời gian dùng pin lâu
Nhược điểm:
  • -Màn hình không sắc nét bằng các màn hình Super AMOLED; giá máy và phụ kiện đi kèm không rẻ.
Giá bán: 6 triệu đồng (kèm hợp đồng)

Sau thời gian dài chờ đợi, Motorola cuối cùng cũng đã tung ra thị trường Droid Bionic, sản phẩm được nhà mạng Verizon bán độc quyền ở Mỹ từ ngày 8/9/2011.

Điện thoại này đã được Motorola giới thiệu tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES hồi đầu năm ở Las Vegas cùng với smartphone Atrix 4G và máy tính bảng Motorola Xoom. Với bộ xử lý lõi kép, hỗ trợ mạng 4G, quay phim độ nét cao, cổng HDMI và màn hình qHD 4.3-inch khêu gợi, Droid Bionic là điện thoại tiên phong trên nhiều phương diện.

So với hồi giới thiệu tại CES, mẫu Droid Bionic được bán ra thị trường hiện nay có nhiều thay đổi đáng kể. Máy mỏng hơn, bóng bẩy hơn và nhẹ hơn. Theo nhà mạng Verizon, Droid Bionic là thiết bị 4G mỏng nhất hiện nay và cũng là điện thoại 4G đầu tiên dùng chip hai lõi. Về phần mềm, Motorola đã đưa Android 2.3.4 Gingerbread vào Droid Bionicthay thế cho Android 2.2.

Droid Bionic cũng để lại ấn tượng bởi những khả năng đa phương tiện, các ứng dụng thận thiện với doanh nghiệp và khả năng sử dụng như laptop nhờ các phụ kiện đi kèm. Nhưng chi phí là điểm có thể sẽ khiến nhiều người lưỡng lự đến với sản phẩm này. Droid Bioniccó giá bán 299,99 USD kèm hợp đồng dịch vụ hai năm của Verizon. Phụ kiện đi kèm điện thoại này cũng khá đắt, như Lapdock có giá 300 USD, HD Station giá 100 USD, chân đế thường (Standard dock) giá 40 USD và Webtop Adaptor giá 30 USD.

Mặc dù vậy, Droid Bionic vẫn được các trang công nghệ uy tín đánh giá cao. Cnet và Engaget đều chấm Droid Bionic đạt điểm 8/10 và đánh giá nó là mối đe dọa với iPhone 5 của Apple sắp ra mắt.

Thiết kế

Cnet cho rằng thiết kế cuối cùng của Droid Bionic là sự ngạc nhiên lớn. Mẫu Droid Bionicđược giới thiệu tại CES 2011 có thiết kế cồng kềnh, dày và bề ngang thô. Với chiều dài 12,7 cm, bề ngang 6,6 cm và dày 10 mm, Droid Bionic thực sự không phải là điện thoại nhỏ nhưng phải nói là nó rất mỏng. Như trên đề cập, nó là điện thoại LTE 4G mỏng nhất hiện nay.

Không chỉ mỏng hơn, phiên bản Droid Bionic chính thức cũng hấp dẫn và bỏng bẩy hơn nhờ thiết kế hơi vát ở các góc cạnh. Mặt sau của máy có gờ nhỏ khiến điện thoại dễ cầm hơn. Với trọng lượng 158 gam, Droid Bionic khá nhẹ so với kích thước của nó.

Màn hình qHD 4.3-inch độ phân giải 960×540-pixel của Droid Bionic không có nhiều điểm ảnh như các màn hình Super AMOLED nhưng chất lượng hình ảnh vẫn sắc nét và sinh động. Smartphone này cũng được trang bị kính bảo vệ Corning Gorilla và lớp mạ chống chói nên có thể nhìn khá rõ nét ở ngoài trời.

Điểm thực sự ấn tượng ở điện thoại này là tốc độ xử lý nhanh và mượt mà. Nhờ bộ vi xử lý lõi kép 1 GHz, màn hình và trang web chuyển động như bay khi cuộn và di chuyển. Xử lý đa tác vụ cũng rất nhanh. Theo Cnet, tốc độ xử lý của Droid Bionic nhanh hơn rõ rệt so với các điện thoại chạy bộ vi xử lý một lõi.

Phía dưới màn hình là 4 phím Android cơ bản: menu, home, back và tìm kiếm. Nút điều chỉnh âm lượng, cổng Micro-USB và Micro-HDMI nằm ở bên trái. Đỉnh máy là giắc cắm tai nghe 3.5mm, nút nguồn và khóa màn hình. Máy ảnh VGA mặt trước nằm ở phía trên màn hình trông như đèn LED nhỏ. Mặt sau là máy ảnh 8 megapixel có đèn LED flash đơn. Đây là sự khác biệt so với phiên bản Droid Bionic được giới thiệu ở CES 2011 sử dụng đèn Xenon flash kép.

Cạnh trái của máy có cổng micro-USB và micro-HDMI.

Đi kèm máy là dây nguồn và cáp USB. Như đã đề cập ở trên, bạn có thể mua những phụ kiện để tận dụng ứng dụng Webtop của máy như Lapdock, HD Station hoặc Webtop adaptor. Lapdock là phụ kiện hoàn hảo nhất, biến Droid Bionic trở thành laptop thực sự. Chân đế HD Station ngoài chức năng sạc pin còn cung cấp một cổng micro-HDMI, một ngõ ra âm thanh và 3 cổng USB để cắm bàn phím, chuột và USB. Phụ kiện nhỏ Webtop adaptor cung cấp một cổng micro-HDMI để nối với màn hình và một cổng micro-USB. Ngoài ra, điện thoại này còn có chân đế thường và chân đế gắn với xe hơi (Vehical Navigation Dock) có giá bán 40 USD. Lưu ý là các phụ kiện này chỉ dành riêng cho Droid Bionic, không thể sử dụng với những điện thoại khác, kể cả sản phẩm của Motorola.

Các tính năng

Rõ ràng lý do thuyết phục nhất để sắm Droid Bionic là nó kết hợp hai công nghệ tốc độ cao trong một chiếc điện thoại: chip xử lý hai lõi và công nghệ mạng LTE 4G. Như đề cập ở trên, tốc độ xử lý của điện thoại này nhanh hơn các điện thoại một lõi một cách rõ rệt. Bộ nhớ RAM 1GB của máy cũng giúp cải thiện hiệu năng.

Trình duyệt của Droid Bionic hỗ trợ HTML5 và Adobe Flash. Với hầu hết điện thoại, việc mở trang web nặng Flash khá chậm nhưng điều này không xảy ra với Droid Bionic. Theo thử nghiệm của Cnet, toàn bộ trang cnet.com được mở chỉ trong khoảng 13 giây. Cuộn và di chuyển qua lại giữa các trang không có độ trễ. Nói tóm lại, sự kết hợp giữa bộ vi xử lý lõi kép và mạng LTE 4G là thực sự tốt.

Ngoài LTE 4G, smartphone mới của Motorola cũng hỗ trợ Wi-Fi, GPS và Bluetooth. Điện thoại này cũng có thể sử dụng làm hotspot di động để chia sẻ kết nối mạng cho tối đa 5 thiết bị. Những tính năng phổ thông khác của máy gồm loa ngoài, quay số nhanh, quay số bằng giọng nói, đàm thoại truyền hình, Skype Mobile, nhắn tin MMS và SMS.

Droid Bionic có máy ảnh 8 megapixel gắn đèn LED flash đơn. Đây là điểm thất vọng bởi nhiều smartphone cao cấp hiện này đều trang bị đèn LED flash kép hoặc đèn Xeon flash kép. Theo thử nghiệm Engadget, chất lượng hình ảnh của máy khá ấn tượng, sắc nét nhưng hơi bị thiếu sáng và thiếu độ tương phản. Tự điều chỉnh nét hoạt động khá tốt với các ảnh cận cảnh, nhưng với những hình khác thì việc lấy nét khá chậm. Điều này khiến độ trễ giữa các ảnh chụp mất tới vài giây, gây khó khăn khi chụp hình chuyển động. Droid Bionic cũng là điện thoại LTE 4G đầu tiên có khả năng quay phim 1080p. Engadget cho rằng chất lượng phim quay bằng Droid Bionic khá tốt, rõ nét nhưng thỉnh thoảng khó lấy nét nhất là khi quay các đối tượng gần.

Droid Bionic cũng hỗ trợ DLNA để chia sẻ nội dung với các thiết bị tương thích DLNA. Smartphone này có bộ nhớ trong 16GB và thẻ nhớ microSD 16GB có khả năng mở rộng tới 32GB.

Như đã đề cập, Droid Bionic sử dụng Android 2.3.4 Gingerbread được tích hợp các ứng dụng của Google như Gmail, Google Maps Navigation, YouTube, Google Talk, Books, Places, Latitude và Google Search. Ngoài ra, máy cũng được tích hợp ứng dụng MicrosoftExchange ActiveSync để người dùng đồng bộ với các ứng dụng doanh nghiệp như email hay lịch công việc. Một số ứng dụng khác được cài sẵn trên Droid Bionic còn có Quickoffice Suite, ứng dụng Amazon Kindle cho Android, Slacker, Blockbuster và VideoSurf. Máy cũng được cài sẵn ứng dụng cây nhà lá vườn Motoprint của Motorola để in qua các máy tính Wi-fi.

Gắn với chân đế Lapdock giá 300 USD, Droid Bionic trở thành laptop thực sự.

Một trong những ứng dụng mạnh nhất của điện thoại này là Webtop, biến điện thoại thành laptop thực sự. Khi cắm Droid Bionic vào một trong 3 phụ kiện đi kèm (Lapdock, HD Station hoặc Webtop adapter), bạn có thể truy cập nền tảng Webtop để làm nhiều việc của trên máy tính, như tạo và chỉnh sửa tài liệu văn phòng. Ngoài khả năng đồng bộ email và lịch công việc, Droid Bionic còn cho phép người dùng mã hóa, xóa dữ liệu từ xa trên điện thoại hoặc trên thẻ SD của máy. Đó là những tính năng hữu dụng với người dùng doanh nghiệp.

Hiệu năng

Theo thử nghiệm của Cnet, chất lượng đàm thoại của Droid Bionic rất trong, rõ ràng và ít tiếng ồn từ môi trường. Tốc độ mạng LTE 4G rất ấn tượng. Thử nghiệm đo Speedtest.net cho thấy Droid Bionic đạt tốc độ tải về trung bình 10,18 Mbps và tốc độ tải lên trung bình 4,62 MBps. Mở toàn trang Cnet chỉ diễn ra trong khoảng 13 giây, trong khi mở trang Cnet di động (wapsite) chỉ mất có 4 giây.

Motorola Droid Bionic sử dụng pin lithium ion 1.730mAh, có thể đàm thoại liên tục trong 10,8 giờ và 10,4 ngày ở chế độ chờ theo thông số của nhà sản xuất. Trong thử nghiệm Cnet, Droid Bionic có thể đàm thoại liên tục trong 7 giờ 55 phút trên mạng 4G. Khi tắt LTE và chỉ bật 3G, thời gian đàm thoại liên tục của máy đạt tới 10 giờ 21 phút, con số rất ấn tượng. Theo Cnet, từ khi nạp đầy vào đầu giờ sáng, điện thoại này chỉ hết 15-20% thời gian pin sau một ngày sử dụng vào việc lướt web, tra bản đồ số, xem một số file Flash, kiểm tra email… trong khi bật chế độ 4G.

Kết luận

Khi Motorola Droid Bionic lần đầu tiên được giới thiệu tại triển lãm điện tử CES 2011 cách đây 8 tháng, điện thoại hai lõi còn hiếm và điện thoại LTE 4G chưa có. Từ đó đến nay, thị trường đã có nhiều thay đổi. Nhưng sau nhiều tháng chờ đời, người dùng đã được đền đáp xứng đáng. Motorola Droid Bionic đã có nhiều cải thiện: phần cứng mạnh và thiết kế bóng bẩy hơn. Tốc độ xử lý nhanh và lướt web siêu tốc là điểm sáng của điện thoại này nhờ sự kết hợp tuyệt vời giữa bộ vi xử lý lõi kép và mạng LTE 4G. Khả năng biến Droid Bionic trở thành laptop thực sự cũng là điểm hấp dẫn nhưng chi phí phụ kiện cao và giá của máy cũng khá đắt. Nói chung, smartphone này là một sự lựa chọn tuyệt vời hiện nay.


Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *