Đánh giá ASUS ROG Zephyrus M15: chiếc laptop gaming mỏng mà mình đang xài

Mình đang sử dụng chiếc laptop gaming mỏng Zephyrus M15 và đây là một trong những chiếc laptop gaming mỏng chạy Core i7-10750H cho hiệu năng rất tốt mà mình thấy trong thời gian qua. Mình test một vài thứ, chia sẻ thêm về thiết kế và tản nhiệt của chiếc máy này để anh em nếu có mua thì dễ hình dung hơn.

Thiết kế của ASUS ROG Zephyrus M15:


tinhte_zephyrusm15-1.jpg


Theo xu hướng hiện tại thì những chiếc laptop gaming trở nên trung tính hơn với vẻ ngoài không quá khoe mẽ, từ đó có thể hướng đến nhiều đối tượng người dùng hơn thay vì chỉ game thủ như trước đây. Vì vậy chiếc ROG Zephyrus M15 có vẻ ngoài đơn giản hơn với logo ROG lớn nhưng không sáng bóng và cũng không có đèn như các thế hệ trước. Nó thậm chí còn có phiên bản Prism với thiết kế dành cho nhóm người làm nội dung, loại bỏ logo ROG ở nắp máy.


tinhte_zephyrusm15-3.jpg


Cạnh sau của chiếc máy cũng đơn giản hơn với các lỗ cho hệ thống heatsink và khi mở máy thì các khe này không bị che lại bởi phần khoét hình than ở nắp máy tạo khoảng trống lớn cho luồng khí thoát ra. Ngoài ra phần khoét này cũng để lộ dải loa kèm các đèn tín hiệu. Khi đóng máy thì chúng ta vẫn biết được tình trạng máy và tình trạng pin.


tinhte_zephyrusm15-10.jpg


Khi mở nắp máy ra, phần bản lề tựa lên mặt bàn để nâng thân máy lên một khoảng nhỏ để hệ thống quạt có thể lấy thêm khí. Thiết kế phần đáy tách ra chỉ còn trên dòng Zephyrus S siêu mỏng.

Chiếc máy này có trọng lượng gần 2 kg, để giữ được trọng lượng nhẹ thì ASUS sử dụng nhôm cho nắp máy và phần thân được làm bằng hợp kim ma-giê nhôm. Bên trong lớp vỏ là cấu trúc tổ ong gia cường – cấu trúc này rất phổ biến trên những chiếc laptop Portege của Toshiba khi xưa với cùng chất liệu hợp kim ma-giê. Bề mặt bên trong máy được phủ một lớp soft-touch tương tự như lớp phủ trên những chiếc ThinkPad. Lớp phủ này mang lại cảm giác tiếp xúc tốt và tăng tính cao cấp cho chiếc máy nhưng nó cũng dễ bám mồ hôi.


tinhte_zephyrusm15-17.jpg


Mặt đáy của Zephyrus M15 là một miếng nhựa liền và việc tháo ra để bảo trì hay nâng cấp rất đơn giản. Mặt đáy được cắt rất nhiều lỗ dành cho hệ thống tản nhiệt và có thêm 2 loa hướng xuống. Chiếc máy này có tổng cộng 4 loa.


tinhte_zephyrusm15-5.jpg


Với độ mỏng gần 19 mm thì Zephyrus M15 vẫn được trang bị đầy đủ các cổng kết nối tiêu chuẩn với cạnh trái có cổng nguồn chân kim, LAN, HDMI, USB-A chuẩn USB 3.2 Gen2 (10 Gbps) và jack âm thanh và mic tách rời.


tinhte_zephyrusm15-9.jpg


Cạnh phải có cổng USB-C cho Thunderbolt 3 (kiêm trình xuất DisplayPort, USB 3.2 Gen2 10 Gbps và PowerDelivery), thêm 2 cổng USB-A chuẩn USB 3.2 Gen1 (5 Gbps). ASUS có tặng kèm một cục sạc USB-C 65 W theo chiếc máy này và mình cực thích trang bị này bởi nó vừa có thể sạc cho điện thoại, vừa sạc cho máy. Tuy nhiên để có thể chơi game với hiệu năng tối đa thì bạn vẫn phải dùng với cục sạc 230 W cỡ lớn, sạc USB-C 65 W dùng để làm việc hay chữa cháy là chính.

Màn hình của ASUS ROG Zephyrus M15:


tinhte_zephyrusm15-12.jpg


Phiên bản mình dùng là GU502LU và nó được trang bị màn hình 15,6″, tấm nền IPS với độ phân giải FHD (1920 x 1080 px), tốc độ quét lên đến 240 Hz với thời gian đáp ứng 3 ms. Tấm nền này đạt chuẩn Pantone Validated với độ bao phủ dải màu 100% sRGB. Ngoài ra ASUS có trang bị một số tùy chọn khác như màn hình 15,6″ IPS 4K 60 Hz, 100% AdobeRGB, Pantone Validated dành cho người dùng đồ họa và tùy chọn thấp nhất là 15,6″ IPS FHD 144 Hz.

Đây là tấm nền IPS cao cấp của Sharp làm và nó có chất lượng hiển thị rất tốt, không chỉ phù hợp với game khi tốc độ làm tươi đến 240 Hz mà còn có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc với ảnh không chuyên. Tấm nền này được sử dụng phổ biến trên hầu hết các loại laptop gaming với màn hình 240 Hz, độ bao phủ dải màu của nó ở 97% sRGB, tầm 65% dải AdobeRGB. Độ sáng tối đa của màn hình chiếc Zephyrus M15 ở 280 nit và điều mình thích là tương phản rất cao, nó mang lại trải nghiệm giải trí với game và phim ảnh đã mắt.


tinhte_zephyrusm15-19.jpg


Tốc độ quét 240 Hz rất cao và nó cho trải nghiệm mượt mắt khi chơi game, đặc biệt là những tựa game bắn súng. Mặc dù không hỗ trợ G-Sync hay các công nghệ đồng bộ khung hình nhưng màn hình 240 Hz vẫn mang lại trải nghiệm chống xé hình tốt hơn dù rằng tỉ lệ khung hình khi chơi game khó có thể đạt được mức 240 Hz. Thêm vào đó là thời gian đáp ứng của màn hình ở 3 ms – nó đủ nhanh để hạn chế tình trạng bóng mờ (ghosting) của hình ảnh chuyển động nhanh, từ đó khiến thao tác của chúng ta khi theo dõi và bắn vào chủ thể chuyển động chính xác hơn.


tinhte_zephyrusm15-13.jpg


Nói thêm về thiết kế màn hình viền mỏng 3 cạnh và chiếc máy này không hề có webcam. ASUS đã loại bỏ webcam từ thế hệ Zephyrus trước, điều này khá bất tiện trong thời đại mà chúng ta phải làm việc ở nhà, hội họp từ xa. Phần viền dưới vẫn khá dày và mình nghĩ chí ít ASUS có thể tích hợp webcam vào viền dưới giống như cách mà Dell đã từng làm với dòng XPS 13 khi xưa.


tinhte_zephyrusm15-18.jpg

Chiếc máy có 4 loa gồm 2 loa tại mặt lưới phía trên bàn phím và 2 loa ở đáy hướng về phía người dùng. Chất lượng âm thanh của Zephyrus M15 rất tốt, phù hợp với một chiếc máy giải trí với âm lượng đầu ra lớn, có rung động quanh khu vực chiếu nghỉ tay, mid rõ và treble tốt, riêng bass yếu.

Bàn phím và bàn rê của Zephyrus M15:


tinhte_zephyrusm15-6.jpg


Bàn phím của Zephyrus M15 khá ổn, mình chưa đánh giá nó tốt được bởi ASUS vẫn cần phải cải tiến nhiều để có thể mang lại trải nghiệm gõ tốt hơn. Điều mình thích trên chiếc bàn phím của Zephyrus M15 là layout gọn gàng dễ làm quen. ASUS đã không còn nhét layout full-size vào những chiếc máy cỡ 15,6″ nữa bởi kích thước của chúng đã nhỏ gọn hơn xưa nhờ thiết kế viền mỏng.


tinhte_zephyrusm15-15.jpg


Nhờ đó layout gọn với các phím lớn, có hàng phím dành riêng cho soạn thảo, hàng phím Fn có nhiều nút chức năng rất hữu ích như cụm phím đa phương tiện, nút chuyển các chế độ hiệu năng của phần mềm Armory Crate, khóa nhanh bàn rê, tắt mic … Tuy nhiên cụm phím điều hướng lại nhỏ và hơi khó bấm.


tinhte_zephyrusm15-14.jpg


Đèn RGB trên bàn phím của Zephyrus M15 đẹp mắt với nhiều hiệu ứng, có thể tùy biến trên từng phím và đồng bộ với các phần cứng khác của ROG như chuột hay tai nghe. Mọi thứ đều được tùy biến qua phần mềm Armoury Crate và từ khi ASUS làm lại phần mềm này để đưa tất cả các tính năng vào một chỗ thì mình thấy nó tiện hơn rất nhiều so với các phần mềm rời rạc, mỗi máy mỗi kiểu như trước.

Điều mình chưa thích đó là các phím này cho cảm giác gõ dù có độ nẩy lớn nhưng phần xương phím không chắc, cảm giác bấm hơi bồng bềnh dù phần vỉ phím không hề flex. Thêm vào đó là bề mặt keycap lại không cho cảm giác tiếp xúc tốt, dễ trượt ngón tay. Chiếc máy vẫn chưa phải siêu mỏng nhưng hành trình vẫn khá ngắn, từ đó mang lại trải nghiệm gõ văn bản hay chơi game vẫn chưa thích tay.


tinhte_zephyrusm15-7.jpg


Về phần bàn rê, Zephyrus M15 được trang bị bàn rê khá lớn và nó cho trải nghiệm rất tốt, bề mặt ít bám mồ hôi và độ rít thấp, hỗ trợ đầy đủ các thao tác cử chỉ của Windows 10 với driver Precision Touchpad. 2 phím chuột được đặt bên dưới bàn rê và cho cảm giác nhấn tốt, không cần tốn nhiều lực và âm thanh phát ra không lớn.

Hiệu năng của Zephyrus M15:


Cấu hình của chiếc Zephyrus M15 mình đang xài khá tốt nhưng nó chưa phải là cao nhất:

  • CPU: Intel Core i7-10750H 6 nhân 12 luồng, 2,6 – 4,8 GHz (Turbo Boost Max 3.0), 5 GHz (Thermal Velocity Boost), 12 MB cache, TDP 45 W;
  • GPU: Nvidia GeForce GTX 1660 Ti, 1455 – 1690 MHz (Boost), 6 GB GDDR6, TGP 80 W;
  • RAM: 16 GB DDR4-3200 MHz (hàn chết);
  • SSD: 512 GB Intel SSD 660p PCIe 3.0 x4 NVMe;
  • Kết nối: Bluetooth 5.1 + Wi-Fi 6 Gig+;
  • Pin: 76 Wh.

Ngoài cấu hình trên thì dòng Zephyrus M15 còn có tùy chọn Core i7-10875H 8 nhân 16 luồng, xung tối đa 5,1 GHz, GPU còn có GeForce RTX 2060 8 GB hoặc RTX 2070 8 GB, đều hỗ trợ OC với xung Boost cao hơn so với thiết kế nhờ mở rộng TGP của GPU lên 90 W. Chiếc máy này có thêm 1 khe RAM SO-DIMM để nâng cấp, do có sẵn 16 GB nên chúng ta chỉ có thể nâng tối đa 48 GB DDR4-3200. Khe M.2 còn trống 1 khe và hỗ trợ PCIe NVMe SSD, có thể chạy RAID 0.

Với một vài bài test render, mình cho Zephyrus M15 đấu với 3 chiếc máy dùng cùng CPU Core i7-10750H và đều có thiết kế mỏng nhẹ mà mình vừa trải nghiệm gần đây là MSI GS66 Stealth, Dell Precision 5550 và Precision 5750 và kết quả ở chế độ hiệu năng tối đa, trên ASUS là Turbo, trên MSI là Extreme Performance và tương tự với 2 chiếc máy của Dell thì điểm số đa nhân của Zephyrus M15 chỉ thua đôi chút so với Precision 5750. Mỗi chiếc laptop sẽ có được thiết kế với mức xung, điện áp Vcore khác nhau tùy theo năng lực của hệ thống tản nhiệt cũng như ý đồ của hãng sản xuất. Vì vậy dù là cùng con Core i7-10750H thì nó sẽ phản ánh hiệu năng khác nhau. Chẳng hạn như Zephyrus M15 cho phép CPU chạy ở 4,2 GHz toàn nhân trong vài giây sau đó cắt xuống còn 3,9 GHz – 4 GHz khi chạy Cinebench R20. GS66 Stealth chạy ở 4,1 Ghz toàn nhân trong vài giây sau đó cắt xuống 3,8 Ghz ở 6 nhân.

Tương tự với các bài test render còn lại, chiếc Zephyrus M15 bám sát con Dell Precision 5750 với thời gian hoàn tất thua xấp xỉ vài giây như bài test Blender hay Corona. Số lượng ksamples xử lý trong cùng thời gian ở bài test V-RAY CPU cho thấy Zephyrus M15 cho hiệu năng rất tốt so với các đối thủ.

Qua các bài test render này thì mình cũng theo dõi xung, nhiệt, điện của Core i7-10750H bởi ASUS đã sử dụng keo kim loại lỏng của Thermal Grizzly cho CPU thay vì keo gốm thông thường. Hiệu quả tản nhiệt cải thiện đáng kể: chẳng hạn như ở chế độ độ Turbo sẽ cho hiệu năng tốt nhất nhờ mức xung trung bình ở các nhân trên 4,1 GHz, nhiệt độ nhân CPU sẽ ở mức 87 độ C, con CPU ăn tối đa 85 W khi chạy bài test Cinebench R20. Tương tự với Cinebench R20, nếu chuyển sang chế độ Performance thì xung đa nhân của Core i7-10750H ở 3,7 GHz và nhiệt độ trung bình ở 85 độ C, con CPU vẫn ăn 78 W. Khi chuyển về Silent, xung toàn nhân của Core i7-10750H ở 3,5 GHz, nhiệt độ trung bình ở 81 độ C và CPU chỉ ăn 48 W. ASUS đã thiết kế các chế độ này theo độ ồn của hệ thống quạt tản nhiệt khi hoạt động, cắt xung xuống tức giảm điện áp Vcore và từ đó giảm tải cho hệ thống tản nhiệt khiến quạt quay chậm hơn để giảm tiếng ồn. Trong số những con máy mỏng mà mình đã test qua thì khả năng tản nhiệt của Zephyrus M15 thuộc hàng tốt nhất bởi trong các bài test, nó giữ cho con CPU ở ngưỡng nhiệt độ dưới 90 độ C, Core i7-10750H là một con CPU ăn nhiều điện và rất nóng bởi tiến trình cũ.

Sự khác biệt lớn hơn nằm ở xung của GPU khi chỉnh qua lại giữa các chế độ hiệu năng. Chẳng hạn như ở chế độ Performance, xung tối đa của GPU khi chơi game ở 1700 MHz nhưng nếu bật chế độ Turbo, xung của GTX 1660 Ti lên đến 1890 MHz . Hệ thống tản nhiệt cũng hoạt động rất hiệu quả để có thể giữ cho GPU hoạt động ở nhiệt độ tối đa 76 độ C, từ đó nó giữ cho xung GPU ở mức trên 1800 MHz. Khi chơi game mình luôn để chế độ Turbo, một vài tựa game mình đã test dưới đây:

Call of Duty: Cold War:


BlackOpsColdWar.jpg


Tựa game mới toanh này đang cho chơi Open Beta và cấu hình của chiếc Zephyrus M15 cho phép chơi ở tỉ lệ khung hình 75 fps với đồ họa Medium, nếu cân chỉnh lại một chút thì có thể được 90 fps.

Control:


Control.jpg


Với tựa game Control góc nhìn thứ 3 mới thì GTX 1660 Ti có thể cho khung hình ở 70 fps với đồ họa Medium và 50 fps với đồ họa High.

CS:GO:

Ở đồ họa High, Zephyrus M15 cho khung hình trên 100 fps. Tựa game này không ăn quá nhiều GPU, CPU xung càng cao càng cho khung hình tốt.

Doom Eternal:


DOOMEternal.jpg


Mình có thể chơi được trên 100 fps ở đồ họa High, Vulkan API.

Shadow of the Tom Raider:


SOTTR.jpg


GTX 1660 Ti cho 63 fps trung bình ở thiết lập đồ họa High.

Thời lượng pin của Zephyrus M15:


3DMark Home Battery.png


Thời lượng pin của chiếc máy vào khoảng 3 tiếng 26 phút với bài test PCMark 8 Home, độ sáng màn hình 50%, chế độ hiệu năng Silent. Sử dụng làm việc thực tế thì mình có thể dùng đến 4 tiếng ở độ sáng này bởi những tác vụ thường dùng của mình chỉ là web và văn bản. Nhìn chung thời lượng pin này chấp nhận được với một chiếc máy cấu hình gaming và thiết kế mỏng. Khi chơi game thì bắt buộc phải cắm sạc để đạt hiệu năng tốt nhất.


tinhte_zephyrusm15-21.jpg


Nhìn chung, đây là con máy hiếm hoi của ASUS mà mình thích và cũng là chiếc laptop gaming mỏng có thiết kế và hiệu năng tốt trong thời điểm hiện tại. Điều mình thích là ASUS đã thiết kế hệ thống tản nhiệt hiệu quả cho con máy này, từ đó giúp con Core i7-10750H cũng như GTX 1660 Ti có thể đạt được hiệu năng tối đa. Dù vậy nếu có thay đổi, mình hy vọng một sự thay đổi lớn hơn ở Intel, CPU đa nhân với tiến trình mới để có thể hoạt động mát mẻ hơn và tiết kiệm điện năng hơn khi dùng với pin. Mình sẽ tiếp tục dùng chiếc máy này và sẽ chia sẻ thêm với anh em những thứ khác nếu phát hiện trong thời gian tới.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/danh-gia-asus-rog-zephyrus-m15-chiec-laptop-gaming-mong-ma-minh-dang-xai.3205875/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *