Chia sẻ về chiếc Spectre x360 13 – dùng làm việc hàng ngày, chỉnh hình đám cưới của mình …

Sau nhiều năm chỉ dùng máy bàn thì phải gần đây mình mới dùng lại laptop khi đi làm. Chiếc HP Spectre x360 13 này mình xài từ sau khi Sài Gòn dỡ bỏ giãn cách xã hội, nhịp sống trở lại bình thường và mình đã có nhiều thời gian trải nghiệm. Một chiếc máy không to lớn như những ThinkPad P70, Zbook Studio như mình vẫn hay dùng nhưng nó đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu làm việc của mình.




HP Spectre x360 13 là một chiếc laptop 2 trong 1, thiết kế màn hình 13,3″ xoay 360 độ như tên gọi, vỏ bằng nhôm toàn bộ. Thiết kế của dòng máy này đã được định hình từ nhiều năm qua và HP cũng dùng lại trên dòng EliteBook x360. Các cạnh máy được cắt kim cương và phay xước trong khi các bề mặt khác được làm nhám anodize. Không rõ anh em có còn thích kiểu hoàn thiện này không nhưng với cá nhân mình thì anodize vẫn là kiểu hoàn thiện cho cảm giác tiếp xúc thích tay, không để lại dấu vân tay và nếu có bám bẩn thì cũng dễ lau chùi và trầy xước ít bị thấy.




Spectre là dòng Ultrabook cao cấp nhất của HP nên độ hoàn thiện của chiếc máy rất tốt, anh em có thể thấy ở các mép, khe tản nhiệt, lỗ lấy gió cho quạt tản nhiệt dưới đáy máy, lỗ loa … các chi tiết này đều được làm rất tỉ mỉ và chính xác.



Thiết kế bản lề kép của Spectre x360 13 đẹp mắt và dễ dùng. Chỉ có 1 vấn đề là HP tích hợp nam châm lực hút rất mạnh ở cạnh trước thành ra khi đóng nắp máy thì sẽ khó có thể tách nắp máy ra bằng1 tay, mình luôn phải dùng 2 tay để mở. Nam châm này cũng tạo ra một tình huống thú vị khi mình sử dụng đó là mỗi khi đặt máy lên mặt bàn bằng kim loại, chẳng hạn như ở cafe tinhte có bàn làm việc được bọc tôn thì chiếc máy bám chặt trên bàn. Nó đã cứu chiếc máy 1 lần khi 1 một người bạn của mình vô tình vấp phải dây sạc, dây sạc bung ra nhưng máy vẫn nằm yên trên bàn mà không bị lôi đi theo.




Chiếc máy mỏng khoảng 1,7 cm và với độ mỏng này, các cổng kết nối trên Spectre x360 13 bị cắt giảm đi đáng kể. Tại cạnh trái của máy chỉ có jack âm thanh 3,5 mm và một cổng USB-A (USB 3.1 Gen1 5Gbps). Cổng USB-A này thậm chí còn được thiết kế kiểu hở 1/2, giống như cổng LAN trên những chiếc máy mỏng, có nắp che. Thế nên khi cắm một chiếc USB drive hay receiver của chuột thì mình không thể cứ thế mà cắm vào được mà phải nâng máy lên, mở nắp ra mới có thể cắm được.




Tại cạnh phải thì có thêm 2 cổng USB-C, đều hỗ trợ Thunderbolt 4 và một khe thẻ nhớ microSD. 2 cổng USB-C đều có Thunderbolt 4, kiêm luôn cổng sạc 65 W và trình xuất là trang bị cần phải có rồi. Tuy nhiên điều mình chưa thích là vị trí 2 cổng này lại gần nhau và đều ở 1 bên. Vì vậy khi cắm sạc cho máy thì chúng ta chỉ có thể cắm dây ở phía cạnh phải và không phải lúc nào vị trí dùng máy và ổ điện cũng thuận tiện để có thể cắm bên phải.




Nút nguồn của Spectre x360 13 nằm ở góc trái – vị trí này rất lạ và ban đầu khi mới xài mình còn phải tìm nút nguồn để bật máy. Qua thời gian xài thì mình mới thấy đúng là vị trí nút nguồn này gần như bắt buộc bởi Spectre x360 13 vẫn là một chiếc laptop 2 trong 1, khi cần gập lại để dùng như máy tính bảng hay khi dùng ở các chế độ như túp lều, trình chiếu với bàn phím úp xuống thì nút nguồn vẫn hướng ra ngoài, tiện thao tác. Nếu đặt nút nguồn ở các vị trí khác thì trải nghiệm sử dụng không tối ưu.




Mặt đáy của Spectre x360 13 cũng được làm khá đẹp với một tấm nhôm liền khối, dễ tháo mở. Phía trên có hàng lỗ cho quạt tản nhiệt, chiếc máy dù mang cấu hình văn phòng nhưng vẫn có 2 quạt tản nhiệt. Spectre x360 13 có RAM hàn chết, pin chiếm phần lớn không gian nên thứ mà chúng ta có thể nâng cấp là SSD M.2 2280. 2 loa hướng xuống, gần 2 cạnh bên, vị trí này nhằm đảm bảo khi sử dụng máy ở chế độ nào thì âm thanh đầu ra vẫn đủ lớn. Âm thanh của Spectre x360 13 khá tốt, âm lượng đầu ra lớn đáng ngạc nhiên với một chiếc máy nhỏ như vậy, mid rõ ràng phù hợp cho nhu cầu hội thoại, treble rõ, bass thiếu.




Màn hình của Spectre x360 13 có kích cỡ 13,3″ dùng tấm nền AUO5E2D – một tấm nền IPS chất lượng cao với độ phủ gần 100% dải màu sRGB, trên 70% dải AdobeRGB, độ tương phản lớn đến 1400:1 và độ sáng tối đa ở 420 nit. Tấm nền này cũng được HP trang bị cho dòng EliteBook Firefly. Mình hài lòng với chất lượng hiển thị của màn hình này, nó có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc lẫn giải trí của mình. Tính năng cảm ứng cũng rất mượt mà và chính xác, tiếc là mình không có cây bút HP Pen để thử độ nhạy, độ mượt và độ mỏng của nét vẽ.




Viền màn hình thiết kế mỏng 5 mm ở 2 bên, viền trên gần 1 cm và dưới vẫn khá dày. Đây là kiểu thiết kế thường thấy trên laptop có màn hình cảm ứng hỗ trợ dùng ở chế độ tablet bởi 2 viền dày sẽ cho không gian để cầm máy. Màn hình cảm ứng có lớp kính nên không thể tránh khỏi tình trạng phản chiếu mạnh khi sử dụng dưới nguồn sáng trực tiếp nhưng nhờ độ sáng cao nên nó không bị tối, góc quan sát vẫn rộng và màu sắc không bị thay đổi nhiều khi nhìn từ 2 bên.




Spectre x360 13 có hệ thống webcam hỗ trợ nhận diện khuôn mặt để đăng nhập máy cũng như các tính năng bảo mật, xác thực Windows Hello. Nó hoạt động nhanh và chính xác, mình hầu như không dùng đến cảm biến vân tay trên máy, chỉ dùng webcam hồng ngoại.




Webcam có thể tắt hoàn toàn được bằng một nút ở cạnh phải. Nút này ngắt điện lên webcam thay vì vô hiệu hóa bằng phần mềm nên khi không cần dùng đến hoặc anh em sợ vô tình để lộ hình ảnh không mong muốn trong những cuộc họp thì có thể gạt nút này. Mình cũng có thói quen tắt webcam mỗi khi vào họp, hàng tối mình học lý thuyết lái xe online và thao tác đầu tiên vẫn là tắt webcam và tắt mic trước khi vào Zoom cho chắc ăn, nhiều người học cùng mình để webcam, để cả tiếng dạy con học, con khóc, vợ chồng cãi nhau lọt vào thật sự không hay chút nào.




Bàn phím của Spectre x360 13 cho cảm giác gõ rất thích tay, nó tương tự như bàn phím trên dòng EliteBook x360 nhưng nói về trải nghiệm thì mình vẫn thích bàn phím trên dòng EliteBook hơn dù có cùng thiết kế layout và kích thước phím, thậm chí là hành trình và độ nẩy. Vấn đề nẳm ở phiên bản Spectre x360 13 màu bạc mình đang xài có bàn phím cũng màu bạc, khi bật đèn nền thì ánh sáng đèn khiến ký tự trên phím khó thấy hơn nhất là dưới điều kiện ánh sáng ban ngày, dưới ánh đèn. Nếu như HP thiết kế bàn phím màu đen thì nó sẽ tuyệt vời hơn nhiều bởi chúng ta cũng không phải lo lớp sơn trên keycap bị bong tróc qua thời gian sử dụng, bàn phím có bẩn cũng ít thấy hơn là bàn phím màu bạc. Đổi lại thì: mình thường xuyên tắt đèn nền bàn phím bởi lúc này thì các ký tự nổi bật trên bàn phím hơn, tiết kiệm thêm pin. Bàn phím dễ thấy vết bẩn nên mình chịu khó lau chùi máy hơn bình thường.

Có nhiều cái tiện lợi trên bàn phím của Spectre x360, hàng phím Fn có sẵn các phím đa phương tiện, tắt mic tắt loa nhanh. Layout được thiết kế khá tối ưu cho nhu cầu làm việc với văn bản, vẫn có đầy đủ các phím phụ nhưng rất cần như chụp màn hình, Insert, hàng phím Home/End, Page Up/Down nằm ngoài cùng bên phải. Các phím điều hướng không bị quá nhỏ, dễ bấm và có cảm giác tách bạch giữa phím lên xuống dù được đặt sát nhau.




Bàn rê của Spectre x360 13 khá nhỏ, nó có chiều ngang 103 mm nhưng chiều dọc chỉ 51 mm do hạn chế về kích thước của máy. Bàn rê được phủ kính cho cảm giác chạm rất thích tay, độ ma sát thấp và độ nhạy cao. Nó cho trải nghiệm sử dụng rất tốt với các thao tác đa điểm, di trỏ chuột rất chính xác. 2 phím chuột tích hợp dưới bàn rê cần khá nhiều lực để nhấn, mình đã quen với thao tác nhấp nhẹ 1 ngón chuột trái và 2 ngón chuột phải nên đây không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên với những ai quen dùng bàn rê có phím vật lý, thích cảm giác nhấn có lực thì bàn rê này sẽ khiến ngón tay hơi mỏi chút.




Đây là 1 trong những tư thế sử dụng máy mà mình rất thích đối với laptop 2 trong 1. Mình thích xài phím cơ, đi làm hàng ngày, đi công tác hay về quê mình đều đem theo phím cơ để làm việc. Cảm giác gõ trên phím cơ vẫn sướng hơn nhiều so với gõ trên phím tích hợp của laptop. Chiếc máy có thể được dựng lên, bàn phím của máy xoay úp lại làm đế. Kéo máy sát lại với bàn phím cơ và thêm 1 con chuột là có thể làm việc thoải mái. Vì màn hình nhỏ nên bố cục này rất thuận mắt, với máy cùng cỡ nhưng không thể xoay màn hình thì cách tốt nhất để dùng với phím cơ vẫn là đặt bàn phím cơ chồng lên bàn phím của máy, mình đã sử dụng như vậy với nhiều chiếc máy trước đây.




Mình không thường dùng máy ở chế độ tablet nhưng vẫn khá là tiện khi ngồi trong không gian hẹp, chẳng hạn như trên máy bay hay chỉ muốn xem nội dung.

Hiệu năng của Spectre x360 13 khá tốt, chiếc máy này có cấu hình như sau:

  • CPU: Intel Core i7-1165G7 (Tiger Lake-UP3) 4 nhân 8 luồng, 1,2 – 4,1 GHz (đa nhân) – 4,7 GHz (đơn nhân), 12 MB cache, 12 – 28 W TDP;
  • GPU: Intel Iris Xe 96 EU 1,3 GHz;
  • RAM: 16 GB LPDDR4X-4267 hàn chết, chạy dual-channel;
  • SSD: Intel Optane H10 (32 GB bộ đệm Optane SLC) + 512 GB (QLC NAND);
  • Kết nối: Bluetooth 5.1 + Wi-Fi 6 AX201;
  • Pin: 60 Wh.


Mình dùng chiếc máy này làm đủ thứ, nhất là trong dịp này khi mình cưới vợ. Mình tự chỉnh hình cưới và đi in album cũng như trình chiếu trên màn hình LED ở nhà hàng cưới. Những hoạt động này thông thường có bên dịch vụ chụp quay người ta làm hết nhưng mình vẫn thích tự làm, nó có ý nghĩa với mình hơn. Ngoài ra mình cũng dùng máy để viết bài, biên tập ảnh cho bài trên tinhte hàng ngày.

Core i7-1165G7 là một con vi xử lý dòng tiết kiệm điện, 4 nhân 8 luồng và nó khá nhanh nếu xét về một con vi xử lý trên Ultrabook bởi xung nhịp đơn nhân của nó dễ dàng đạt 4,7 GHz trên Spectre x360 13.




Mình xuất 49 tấm hình NEF chụp từ máy Nikon D810 đã chỉnh sửa sang JPG, nén lại ở độ phân giải 2048 px, kích thước không quá 500 KB để up lên tinhte thì thời gian hoàn tất mất khoảng 6 phút. Mặc dù có mức tiêu thụ điện năng tối đa ở 28 W nhưng chiếc Spectre x360 có thể chạy đến 29.5 W theo chế độ Performance được HP thiết kế. Ở chế độ này thì xung đa nhân của Core i7-1165G7 khi chạy ở PL2 sẽ đạt tầm 3,8 GHz trong thời gian ngắn tầm 2 giây, sau đó cắt xuống PL1 ở 20 W, giữ xung đa nhân trung bình ở 2,7 GHz. Nhiệt độ của CPU khi chạy ở PL2 đến 91 độ C, cắt xuống 20 W ở PL1 thì không quá 80 độ C. HP trang bị 2 quạt tản nhiệt cho chiếc máy này cũng hợp lý.




Với tải nhẹ hơn như xuất 30 tấm hình cưới mình tự làm màu từ JPG chất lượng cao sang JPG nén cùng độ phân giải thì máy chỉ mất 30 giây để hoàn tất, Core i7-1165G7 lúc này được chạy đến 29 W, xung đa nhân ở 3,3 GHz và nhiệt độ ở 91 độ C.






16 GB RAM LPDDR4 với mình là đủ và mình cũng nghĩ đây sẽ là dung lượng RAM tối thiểu đối với những chiếc máy tính mình mua sau này. Nếu anh em có nhu cầu mở cùng lúc nhiều trang web, làm việc đa nhiệm nhiều ứng dụng, nhất là các ứng dụng biên tập ảnh như Photoshop hay Lightroom thì 8 GB sẽ không thể đủ. Như hình trên mình đang cho mở Lightroom, chưa cho chạy hay xuất hình gì thì đã ăn mất 10 GB RAM. Tương tự với trình duyệt Egde, mỗi lần dùng mình mở tầm 20 tab và dung lượng RAM trống còn lại đã dưới 8 GB.




Mình cũng kiểm tra qua tốc độ của ổ SSD và cả khe đọc thẻ trên chiếc Spectre x360 13 này. Intel Optane H10 là một dòng ổ SSD lai Optane – nó có 32 GB bộ đệm Optane tốc độ cao và độ bền cao, kèm với 512 GB bộ nhớ lưu trữ dùng công nghệ QLC NAND tốc độ thấp hơn và độ bền cũng thấp hơn. Bù qua sớt lại thì chiếc ổ này vẫn có thể đạt được tốc độ truy xuất cao tương đương với những chiếc ổ SSD có DRAM như tốc độ đọc tuần tự khoảng 2800 MB/s, ghi tuần tự gần 1000 MB/s, truy xuất ngẫu nhiên 4K vào khoảng 600 MB/s đọc và 350 MB/s ghi. Dĩ nhiên những con số này là trong điều kiện lý tưởng nhất. Cái lợi của dòng ổ này vẫn là bộ đệm 32 GB Optane lớn hơn rất nhiều so với bộ nhớ DRAM hay bộ đệm giả SLC trên những ổ DRAMless. Thực tế mình đã dùng Optane 32 GB để đệm cho ổ cứng trên máy bàn (sẽ chia sẻ với anh em trong 1 bài khác) và trải nghiệm của mình với Optane không tệ như mọi người vẫn nói. Nó cải thiện tốc độ phản hồi rất rõ rệt, chẳng hạn như khi anh em mở một thư mục hàng ngàn tấm hình thì Optane sẽ giúp load thumbnail của đống hình nhanh hơn hay khi chép nhiều file nhỏ, khởi chạy ứng dụng lưu trên ổ.




Khe đọc thẻ SD trên Spectre x360 cho đủ tốc, mình đã thử với chiếc thẻ SanDisk Extreme Pro V30 U3, tốc độ đọc 100 MB/s và ghi 90 MB/s. CrystalDiskMark cho thấy nó đạt tốc độ đọc tuần tự tầm 94 MB/s và ghi tầm 87 MB/s, gần với con số công bố. Tại sao lần này mình lại test tốc độ khe đọc thẻ nhớ thì chuyện là vầy:




Có một sự thật là không phải chiếc laptop nào có khe đọc thẻ thì khe đó cũng có thể truy xuất thẻ nhớ tốc độ cao. Vấn đề là khe đọc thẻ cũng như một loại ổ cứng, nó sẽ dùng kết nối dữ liệu nào và điều này tùy thuộc vào hãng làm máy. Như trên Spectre x360 thì nó dùng PCIe, lấy 1 lane 2.0 tức băng thông lý thuyết (full duplex) là 500 MB/s, như vậy đủ để đáp ứng tốc độ của những chiếc thẻ nhớ microSD tốc độ cao nhất hiện tại, khai thác bus giao tiếp UHS-II. Với loại khe thẻ SD tiêu chuẩn thì vấn đề về này càng trở nên quan trọng hơn bởi những chiếc thẻ SD UHS-III có thể đạt tốc độ đọc đến 312 MB/s full duplex, vì vậy nếu khe thẻ SD dùng kết nối USB 2.0 (60 MB/s) thì anh em sẽ được trải nghiệm một tốc độ chậm như rùa khi sàng hình từ thẻ qua máy và ngược lại. Chuyện thật như đùa là nhiều hãng làm laptop hiện nay vẫn trang bị khe thẻ SD dùng kết nối USB 2.0, nhất là trên những dòng máy giá rẻ hay những dòng máy không thiên về đa phương tiện, sáng tạo nội dung. Mình đã phát hiện ra điều này trong quá trình test nhiều máy, không tiện nêu cụ thể máy nào nhưng có 1 công cụ giúp anh em kiểm tra là HWInfo64 > anh em chọn mục Bus hoặc Port, máy có khe thẻ nhớ thì nó sẽ nằm trong 1 trong 2 mục này, nếu khe thẻ dùng USB thì nằm trong mục Port > USB còn PCIe thì nằm trong Bus.




Spectre x360 13 được trang bị cục pin 60 Wh, mình theo dõi thời lượng pin thực tế như sau, độ sáng màn hình luôn để 70%, mình dùng làm việc với Edge, soạn thảo với OneNote, chỉnh sửa ảnh với Lightroom thì sau 2 tiếng rưỡi, pin từ 85% xuống 45%. Mình ngưng làm việc xem phim Netflix trong vòng 1 tiếng thì pin còn 35%. Đến tối 6:40 mình bắt đầu học lý thuyết lái xe online qua Zoom, pin lúc bắt đầu là 30% thì đến 7:10 tối, pin còn 19% và lúc này mình bắt đầu cắm sạc lại. Như vậy tính tổng thời gian sử dụng là tầm 4 tiếng với 3 nhóm tác vụ gồm duyệt web + soạn thảo + Lightroom, xem phim Netflix và gọi Zoom, Spectre x360 13 mất 65% pin trong 4 tiếng. Như vậy nếu sạc đầy và xài đến khi gần hết cần sạc lại thì pin của máy có thể trụ được tầm 6 tiếng. Mình luôn để chế độ High Performance khi xài Spectre x360 13, nếu chuyển sang Balance thì thời lượng có thể kéo dài đến 7 tiếng vì ở Balance, Core i7-1165G7 chỉ có thể chạy đa nhân ở mức xung tối đa 2,5 GHz, ăn tầm 17 W thay vì đến 29 W.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/chia-se-ve-chiec-spectre-x360-13-dung-lam-viec-hang-ngay-chinh-hinh-dam-cuoi-cua-minh.3481272/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *