Chia sẻ về chiếc Envy 15 2020: cái mình thích và chưa thích, hiệu năng và màn hình

Hôm trước mình đã trên tay chia sẻ nhanh với anh em về chiếc HP Envy 15 2020 và trong bài này thì mình sẽ chia sẻ thêm về những thứ mình thích, chưa thích, hiệu năng và chất lượng màn hình của nó.

Dùng chiếc Envy 15 2020 đến thời điểm này thì mình thấy nó phù hợp với nhu cầu của mình vốn làm việc với văn bản, ảnh và video trên laptop. Mặc dù mình cũng đã có những dàn PC mạnh mẽ nhưng khi ở cafe Tinh Tế, mình vẫn thích ngồi ngoài trời làm việc hơn vì không gian nhiều cây xanh và gió tự nhiên thay vì ngồi phòng lạnh. Vì vậy mình luôn xài laptop có cấu hình cao thay vì laptop Ultrabook.


5233891_tinhte_hpenvy15_35.jpg


Thiết kế của HP Envy 15 2020 mình không có gì phàn nàn ngoại trừ phần bàn phím màu sáng. Thực sự mình luôn có chút át cảm với bàn phím màu sáng như vậy kể từ thời còn xài con ASUS N550VD – một con máy cũng thuộc dòng giải trí với bàn phím sáng màu và mau bám bẩn. Thêm vào đó là khi làm việc vào ban đêm, bàn phím sáng màu cùng với đèn nền backlit dễ gây chói mắt. Dù vậy chiếc HP Envy 15 2020 lại không làm mình chói mắt bởi đèn bàn phím mặc định tắt trong hầu hết các tình huống sử dụng và nó cũng có 2 mức sáng, không gây chói quá nhiều.


5233887_tinhte_hpenvy15_2.jpg


Tuy nhiên, thứ mình thật sự chưa thích lắm trên bàn phím của Envy 15 2020 đó là lớp phủ bề mặt phím. Để tạo ra màu xám bạc cho bàn phím thì từng keycap của bàn phím phải được phủ một lớp sơn và tiếc là lớp sơn này khá bóng và khi tay ra mồ hôi, ngón tay dễ trượt khỏi tâm phím từ đó khiến mình phải gõ chậm lại và lau tay, lau bề mặt phím đi. Chưa rõ qua thời gian lớp sơn này có bền hay không nhưng mình vẫn muốn các keycap đen, bề mặt sần bình thường trên Envy 15 2020. Ngoài ra thì hành trình, layout, cảm giác nhấn đều rất tốt.


5233889_tinhte_hpenvy15_4.jpg


2 hàng lỗ 2 bên của Envy 15 2020 cũng là một thứ khiến mình hơi “quê” bởi ban đầu mình nghĩ rằng nó là loa bởi âm thanh đầu ra của chiếc máy này lớn và khá lực. Tuy nhiên khi ghé sát tai vào nghe thì không có tiếng động nào phát ra từ 2 hàng lỗ này, rốt cuộc loa của máy nằm ở mặt đáy. Khi tải nặng, quạt chạy ở tốc độ tối đa thì mình phát hiện có gió đi vào các lỗ này và mình nghĩ HP cố tình thiết kế để tăng lưu thông gió cho hệ thống tản nhiệt bởi 2 hàng lỗ này nằm rất gần 2 quạt tản nhiệt.

Màn hình của Envy 15 2020 rất chất lượng:


Envy 15 2020 phiên bản bán tại Việt Nam có màn hình 15,6″ IPS, độ phân giải FHD và có tính năng cảm ứng đa điểm. Tuy theo thị trường thì màn hình trang bị cho máy có thể sẽ khác, chẳng hạn như IPS 4K, ở Mỹ thì anh em có thể đặt cấu hình của máy còn ở Việt Nam thì đa phần chỉ có thể mua máy với cấu hình build sẵn. Tấm nền dùng cho chiếc máy này là N156HCG-GQ1 của InnoLux, mã CMN1519. Dựa trên cơ sở dữ liệu của trang Panelook thì tấm nền này rất chất lượng với độ sáng lên đến 400 nit, tương phản 1500:1, độ bao phủ các dải màu lần lượt là 100% sRGB, 74% AdobeRGB, 74% DCI-P3 và 71% NTSC. Tuy nhiên, tấm nền này chỉ có tốc độ làm tươi 60 Hz nên nó không lý tưởng để chơi game FPS, chỉ thiên về đồ họa với chất lượng hiển thị tốt.


AdobeRGB.jpg


NTSC.jpg


sRGB.jpg


Mình đã dùng Spyder4Elite để kiểm tra màu sắc của chiếc màn hình này và nhận thấy những thông số thực tế còn tốt hơn với thông số kỹ thuật. Theo đó, độ bao phủ các dải màu của màn hình đo từ máy ra là 99% sRGB, 78% AdobeRGB và 75% NTSC. Ở thiết lập 100% độ sáng, máy đo được độ sáng 334 nit và tương phản 940:1, trên 800:1 là mức tương phản tốt ở độ sáng tối đa. Nhiệt độ màu ở 6000 – 6100K, tương đương với ánh sáng trắng ban ngày và có phần hơi xanh và lạnh.


Delta-E.jpg


Tiếp tục kiểm tra Delta-E của tấm nền với 48 màu sắc thì không ngoài dự đoán, màu xanh lệch nhất với Delta-E 4.21, tất cả các màu còn lại đều có độ lệch thấp như đỏ là 1.58, vàng 0.83, xanh lá 1.03 và nhiều màu sắc khác có Delta-E dưới 2.0, tỉ lệ Delta-E trung bình ở 1.68. Mình nghĩ với chiếc màn hình này thì anh em làm đồ họa hay ảnh có thể cân chỉnh lại một chút về màu xanh, các màu khác đã đạt độ chính xác cao rồi.

2 điểm lưu ý là màn hình của chiếc HP Envy 15 2020 có tốc độ làm tươi 60 Hz và có tính năng cảm ứng. Với tính năng cảm ứng, mình cho đây là một điểm cộng bởi màn hình có thêm lớp kính, mục đích chính để hỗ trợ cảm ứng chạm tốt hơn, mục đích phụ là để tăng tính thẩm mỹ và cao cấp cho chiếc máy. Riêng về tốc độ làm tươi 60 Hz thì nó sẽ không lý tưởng cho lắm để anh em chơi game nhưng nếu được đổi giữa chất lượng hiện thị, màu sắc với tốc độ làm tươi thì mình luôn chọn màu sắc. 1 tấm nền IPS mà vừa có màu đẹp, độ chính xác màu cao, vừa có tốc độ làm tươi cao thì mức giá cũng sẽ rất cao. HP Envy 15 2020 là chiếc máy hướng đến người làm nội dung nên trang bị màn hình này mình thấy phù hợp.

Hiệu năng của HP Envy 15 2020:


Chiếc máy có cấu hình như sau:

  • CPU: Intel Core i7-10750H 6 nhân 12 luồng, 2,6 – 5 GHz, TDP 45 W;
  • GPU: Nvidia GeForce GTX 1660 Ti;
  • RAM: 2 x 8 GB DDR4-3200;
  • SSD: 1 TB NVMe PCIe 3.0 x4.


AIDA PL1 PL2.jpg


Thứ khiến mình muốn kiểm tra khi sử dụng chiếc Envy 15 2020 chính là hiệu năng của CPU Core i7-10750H với hệ thống tản nhiệt buồng hơi (Vapor chamber). Mình đã test nhiều mẫu máy dùng con CPU này, có thể nói là con Core i7 “quốc dân” đang rất phổ biến trên những chiếc máy dành cho người dùng sáng tạo hay gaming.

Core i7-10750H 6 nhân 12 luồng, xung cơ bản 2,6 GHz nhưng có nhiều mức xung Turbo khác nhau. Như anh em xem trong hình mình đã tô xanh: 1C (đơn nhân) ở 50x (hệ số nhân của 100 MHz tức 5000 MHz = 5 GHz), 2 nhân là 4,9 GHz, 3 nhân là 4,7 GHz, 4 nhân ở 4,6 GHz, 5 nhân ở 4,5 GHz và 6 nhân ở 4,3 GHz.

5 GHz là mức xung mà anh em nghĩ chắc chắn sẽ đạt được khi anh em mua máy chạy Core i7-10750H. Tuy nhiên, đây là mức xung Thermal Velocity Boost và nó chỉ đạt được nếu nhiệt độ của nhân CPU khi tải phải ở dưới 70 độ C – một điều cực kỳ khó trên laptop, chưa nói đến những chiếc máy mỏng. Mình từng test qua Lenovo Legion 5 laptop gaming với hệ thống tản nhiệt lớn, Dell Precision 5550/5750 máy trạm di động mỏng nhẹ hay gần đây là ASUS Zephyrus M15 với keo tản nhiệt kim loại lỏng nhưng vẫn chưa từng chứng kiến mức xung 5 GHz đơn nhân. Trên HP Envy 15 2020 cũng vậy, mức xung cao nhất mà mình thấy là 4,7 GHz trên 3 nhân, bằng mức xung Turbo Boost Max 3.0.

Benchmark và giải thích:

Phần test render này cho thấy hiệu năng của Envy 15 2020 rất tốt và có thể nói vượt các mẫu máy dùng cùng CPU trong một số bài test. Cinebench R20 Envy 15 thắng điểm đa nhân, thua 2 chiếc máy của Dell ở điểm đơn nhân. Chiếc máy của HP cũng về đích trước tiên ở bài test Corona và Blender Classroom với thời gian ngắn nhất, ngang ngửa với Precision 5750 ở bài test V-RAY.

Qua biểu đồ trên, hẳn anh em sẽ thắc mắc tại sao cùng là Core i7-10750H mà sự chênh lệch lại lớn đến vậy giữa các mẫu máy. Điều này tùy thuộc vào thiết lập điện năng và hệ thống tản nhiệt của máy, từ đó tác động đến hành vi của CPU theo các mức giới hạn điện năng PL1, PL2 và thời gian duy trì (Tau). Đây là điều mà các hãng làm laptop cũng như Intel ít khi nào công bố, mình thường test máy nên tiện thể mổ xẻ thêm chút để anh em dễ hình dung.


AIDA PL1 PL2 1.jpg


Trở lại vấn đề về các mức xung Turbo Boost, con Core i7-10750H có xung cơ bản ở 2,6 GHz vậy làm sao nó có thể leo lên các mức xung cao hơn rất nhiều so với con số 2,6? Để đạt được các mức xung này thì anh em hình dung nó cũng giống như tốc độ của một chiếc xe, anh em vặn ga nhiều thì nó chạy nhanh và thứ tỉ lệ thuận là nhiên liệu. Với CPU xung chính là tốc độ còn điện năng chính là nhiên liệu.

Để đạt được mức xung 4,3 GHz trên 6 nhân hay 5 GHz đơn nhân thì Core i7-10750H sẽ có các mức giới hạn điện năng cao hơn gọi là PL1 và PL2 (Power Limit 1 và 2). Đối với Core i7-10750H trên Envy 15, PL2 của nó được HP thiết lập là 107 W nhưng mình từng chứng kiến PL2 lên đến 135 W trên MSI GS66 Stealth. Trong khi đó, PL1 của Core i7-10750H trên Envy 15 là 90 W. Bên cạnh các thông số này thì anh em còn thấy thời gian tính bằng giây mà CPU có thể hoạt động ở các mức điện năng này gọi là Tau và thực tế, giá trị Tau lại phụ thuộc vào nhiệt độ của CPU.

Vậy hóa ra con CPU không ăn tối đa 45 W? Mình thấy nhiều anh em thường nhầm về con số TDP 45 W là điện năng tiêu thụ tối đa. TDP viết tắt của Thermal Design Power là công suất thoát nhiệt, nó thể hiện lượng nhiệt mà linh kiện có thể giải phóng khi tải ở mức xung cơ bản (như tình huống của Core i7-10750H là 2,6 GHz) chứ không phải là mức xung 5 GHz hay 4,3 GHz trên toàn nhân.


vapor chamber.jpg

Hệ thống tản nhiệt buồng hơi trên Envy 15. Ảnh: Notebookcheck.

Thông số này với CPU cho laptop thường có ích đối với nhà sản xuất máy tính hơn là người dùng bởi dựa trên con số 45 W, các nhà sản xuất sẽ tính toán trang bị tản nhiệt phù hợp cho CPU. Với người dùng desktop, anh em thấy thông số TDP của một con Core i9-10900K chẳng hạn là 125 W thì điều chắn chắn anh em phải làm đó là tìm chiếc tản nhiệt có công suất đủ lớn để đáp ứng mức nhiệt năng 125 W này. Những chiếc tản nhiệt nước AIO, tản nhiệt khí đều có ghi rõ thông số TDP và nếu anh em mua một chiếc tản ghi TDP là 250 W thì nó dư sức làm mát cho Core i9-10900K khi full tải ở mức xung thiết kế và công suất của chiếc tản nhiệt này cũng cho phép anh em OC CPU lên cao hơn.


Dell vapor chamber.jpg

Tản nhiệt buồng hơi trên Dell Precision 5750. Ảnh: Notebookcheck.

Tương tự với laptop, hệ thống tản nhiệt được trang bị thường có công suất lớn hơn so với mức 45 W để con CPU có thể đạt được và duy trì thời gian chạy ở các mức xung Turbo Boost theo thiết kế. Envy 15 2020 không phải là mẫu máy duy nhất được trang bị kiểu tản nhiệt buồng hơi này. Razer là hãng đầu tiên đưa công nghệ tản nhiệt cao cấp này lên dòng Blade, gần đây thì Dell cũng đã trang bị trên dòng Precision 5750 hay XPS 17 mới.


Razer vapor chamber.jpg

Còn đây là tản nhiệt buồng hơi trên Razer Blade 15 2019.​


Cách hoạt động của hệ thống tản nhiệt buồng hơi vs tản nhiệt ống đồng (heatpipe) thì mình sẽ hẹn anh em trong một bài riêng. Nhìn chung tản nhiệt buồng hơi cao cấp hơn và cho hiệu quả tản nhiệt tốt hơn trên cùng diện tích so với tản nhiệt ống đồng. Nó cũng có nhiều lợi thế hơn về hiệu quả dẫn truyền và khuếch tán nhiệt.

Còn bây giờ mình sẽ cho anh em thấy cách hoạt động của các mức PL1, PL2, Tau và nhiệt độ khi chạy Cinebench R20.


PL2.jpg


Khi mình cho chạy Cinebench R20, Core i7-10750H trên Envy 15 2020 ban đầu chạy ở xung 4,2 GHz trong thời gian đến 56 giây, điện năng tiêu thụ tối đa 103 W, dưới giới hạn PL2 107 W, nhiệt độ lúc này là 97 độ C ở mức xung 4,2 GHz toàn nhân, Vcore 1,166 V.


PL1.jpg


Sau gần 1 phút, Tau của PL2 đã hết và giới hạn nhiệt cũng đã đến (97 độ C), CPU cắt xung xuống còn 4 GHz trên 4 nhân và 4,1 GHz trên 2 nhân, Vcore chỉ còn 1,114 V và như vậy giới hạn nhiệt mới của CPU là PL1, điện năng tiêu thụ lúc này là 89,725 W, gần sát mức 90 W theo thiết kế. Nhiệt độ của CPU từ 97 độ C xuống 93 rồi 91 độ C khi hoàn tất bài test.


AIDAStress.jpg


Mình thử stress test bằng AIDA64 thì mức xung toàn nhân và điện năng tiêu thụ của Core i7-10750H cũng tương tự như khi cho chạy Cinebench R20. Tuy nhiên, hành vi của con Core i7-10750H hơi khác ở chỗ nó duy trì luôn mức xung 4,2 GHz mà không cắt xuống bởi tải của phần stress test của AIDA64 nhẹ hơn so với tải AVX-512 của Cinebench R20, vì vậy, CPU giữ xung này và nhiệt độ cũng mát hơn vài độ so với khi chạy Cinebench R20.

Với việc thời gian duy trì mức xung 4,2 GHz toàn nhân (PL2) kéo dài thì Core i7-10750H sẽ có thể thực hiện các bài test nhanh hơn và điều này có được nhờ hệ thống tản nhiệt buồng hơi. Nó thật sự hiệu quả khi không cho con CPU lên tới 100 độ C như nhiều mẫu máy mà mình từng test. Trong số các mẫu máy so sánh, chỉ có Dell Precision 5750 là có tản nhiệt buồng hơi tương tự và nó cũng cho hiệu năng tương tự Envy 15 2020.


Command Center.jpg


Có một điều hơi tiếc đó là 2 quạt tản nhiệt của Envy 15 2020 kích hơi chậm, nếu nó phản hồi nhanh hơn và có thể khiến con CPU giảm nhiệt sớm hơn và từ đó có thể duy trì Tau PL2 lâu hơn. Thường thì những chiếc laptop gaming sẽ làm tốt hơn về tốc độ phản hồi của quạt. HP có trang bị phần mềm Command Center để thiết lập hiệu năng Performance Control, mọi thứ vẫn tự động thay vì cho phép chỉnh tay dù có chế độ Manual.

Qua những giải thích trên thì mình hy vọng là anh em có thể phần nào hình dung cơ chế hoạt động của Core i7-10750H hay CPU của Intel nói chung. Nó sẽ không giống nhau trên mỗi chiếc laptop, hiệu năng của nó sẽ tùy thuộc vào thiết kế điện năng và hệ thống tản nhiệt của mỗi hãng làm máy.

Trải nghiệm game trên Envy 15 2020:


GTX 1660 Ti là một con GPU đủ tốt để anh em có thể trải nghiệm nhiều loại game từ eSport đến AAA và cũng đáp ứng được nhu cầu làm việc đồ họa và biên tập video. Trước đó mình đã test hiệu năng của GTX 1660 Ti trên con Zephyrus M15 rồi và giờ trên Envy 15 2020, cấu hình của nó tương đương nhưng tản nhiệt tốt hơn và thế là hiệu năng cũng cao hơn đôi chút:


SOTR_compare.jpg


Mình đơn cử là tựa game Shadow of the Tomb Raider, ở đồ họa High, phân giải FHD thì nó có thể đạt tỉ lệ khung hình trung bình 75 fps còn chiếc Zephyrus M15 là 63 fps. Dù rằng GTX 1660 Ti trên Envy 15 2020 không cho xung đến 1800 MHz khi chơi tựa game này mà chỉ ở 1650 MHz nhưng đổi lại là xung của CPU rất cao, 6 nhân thường chạy ở xung 4,2 – 4,3 GHz và nhiệt độ của CPU chỉ 81 độ C còn GPU ở 69 độ C. Trong khi đó chiếc Zephyrus M15 với hệ thống tản nhiệt tính ra cũng cao cấp với keo tản nhiệt kim loại lỏng, nhiều ống đồng, heatsink dày vẫn không thể khiến cho con CPU và GPU mát mẻ như Envy 15 2020. Hinh trên mình chụp cùng 1 góc game giữa 2 chiếc máy, Zephyrus M15 khi chơi game này CPU rất nóng, đến 95 độ C và GPU cũng ở 77 độ C.


Control_Compare.jpg


Với Control, tựa game này GPU bound, xung của GTX 1660 Ti lên 1725 MHz còn CPU Core i7-10750H chỉ chạy làng nhàng ở 3 GHz toàn nhân, Envy 15 2020 cho 59 fps ở thiết lập đồ họa Medium, tương đương với Zephyrus M15 với cùng thiết lập đồ họa. Nhiệt độ anh em có thể thấy Envy 15 mát hơn rất nhiều với GPU 64 độ C, CPU cũng chỉ ở 67 độ C trong khi Zephyrus M15 có nhiệt độ CPU đến 83 độ C và GPU ở 74 độ C.


TheDivision2_2020_12_03_18_41_02_967.jpg


The Division 2, thiết lập đồ họa High thì mình có thể chơi ở 75 fps trung bình và có thể khóa V-Sync ở 60 fps để chống xé. Nhiệt độ khi chơi game vẫn ở mức dễ chịu với CPU ở 80 độ C còn GPU ở 67 độ C.

Đến thời điểm này thì hiệu năng của Envy 15 2020 đã được kiểm chứng và đây cũng là chiếc máy mình đã đổi qua từ Zephyrus M15, không hề hối tiếc. Có tiếc thì chỉ là cái màn hình 60 Hz không mướt con mắt khi chơi game mà thôi còn chất lượng hiển thị, hiệu năng và hiệu quả tản nhiệt của chiếc máy này hoàn toàn khiến mình hài lòng.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/chia-se-ve-chiec-envy-15-2020-cai-minh-thich-va-chua-thich-hieu-nang-va-man-hinh.3232955/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *