Bên trong một nhóm Facebook chuyên tạo ra những review giả mạo

Trong thời gian vừa qua, chúng ta nghe về những thương hiệu Trung Quốc như Mpow, Aukey hay Ravpower đều đã bị xóa khỏi Amazon vì cùng một hành vi: những đánh giá giả mạo. Nhóm kín trên Facebook có tên Club Ki-Fair là một trong những nguồn phát tán các review không đúng bản chất này. Họ đưa sản phẩm cho người dùng sử dụng và khuyến khích họ đưa ra những đánh giá để nhận lại tiền (refund).

Theo một quản trị viên của nhóm, họ không yêu cầu người dùng phải đánh giá tích cực nhưng với việc được dùng sản phẩm miễn phí và hoàn tiền thì tất cả đều rất hào hứng. Đây là một trong những hành vi biến tướng sau khi Amazon mạnh tay càn quét trên nền tảng của mình. Năm ngoái, họ đã gỡ 200 triệu đánh giá giả mạo trước khi chúng được đăng lên một trong 1,9 triệu gian hàng bên thứ 3. Amazon sử dụng thuật toán để phát hiện những hành vi đáng ngờ, kiểu như những tài khoản mới cùng đánh giá một sản phẩm nào đó.

Amazon nhận thức được điều này, tức các cửa hàng sử dụng những chiêu trò khác để tạo ra những đánh giá giả mạo bên ngoài Amazon. “Một số tự tạo review trên các nền tảng mạng xã hội nhưng số khác thuê bên thứ 3 để đạt được mục đích”, Amazon nói trong blog.


Screen Shot 2021-06-19 at 11.40.01 AM.png

Đây là một bài đăng điển hình trong nhóm Club Ki-Fair. Khi thành viên nhận được sản phẩm miễn phí thì những lời có cánh lập tức bay ra: “nhóm này thật tuyệt, mình cảm thấy thật vinh dự khi được test thử những sản phẩm mới. Mình đã test thử cái lược mới của Kipozi, rất ưng ý và dễ sử dụng nữa”. Club Ki-Fair chỉ là một trong vô vàn những nhóm như vậy, tại Anh năm ngoái, Facebook đã xóa khoảng 16 ngàn nhóm chuyên đưa ra review sản phẩm.

Một mô hình khác: các nhãn hàng cung cấp cho người dùng thẻ quà tặng (gift card) đổi lại là những review. Tờ WSJ phát hiện Ravpower là một trong những hãng đã làm vậy để khuyến khích người dùng đánh giá sản phẩm. Amazon mới đây đã xóa Ravpower khỏi nền tảng của họ.

Những đánh giá giả mạo luôn được coi là một phần trong nỗ lực marketing của các nhãn hàng. Sản phẩm có càng nhiều đánh giá tích cực, nó sẽ leo lên càng cao trong bảng xếp hạng của Amazon và được liệt kê trong danh sách những sản phẩm phổ biến, được đánh giá cao hay bán chạy. Hơn 300 triệu người dùng thường xuyên trên Amazon sẽ dựa vào đây để đưa ra lựa chọn về một sản phẩm nào đó mà họ tìm kiếm.

Cực chẳng đã, Amazon mới phải gỡ bỏ hàng loạt thương hiệu điện tử thời gian vừa qua. Và nó cũng cho thấy họ đã khó khăn thế nào trong việc đối phó với review giả mạo. Không chỉ chuyển hoạt động sang Facebook, nếu tìm trên Google cũng không khó để có được những hướng dẫn làm thế nào để nhận sản phẩm trên Amazon miễn phí, một trong đó là đăng tải review lên Amazon.

Các sản phẩm mà nhóm Club Ki-Fair cung cấp cho người dùng trải nghiệm chủ yếu là điện tử và làm đẹp. Ví dụ với thương hiệu Fairywill chuyên bán bàn chải điện. Họ nằm trong top 1 sản phẩm bàn chải điện bán chạy nhất trên Amazon với hơn 10 ngàn review, 90% trong số đó đạt 4 sao trở lên. Các thương hiệu khác như Kipozi, Lonove, Sboly…. đều tương tự như vậy, với hơn 10 ngàn review và luôn xuất hiện ở vị trí đầu khi người dùng gõ tìm kiếm sản phẩm. Trong những bài đăng gần đây trên Club Ki-Fair, các sản phẩm đã đạt nhiều review như vậy đều không xuất hiện, chủ yếu là những sản phẩm mới có ít review hoặc ít sao. Có rất nhiều thương hiệu nhưng đều từ cùng một địa chỉ: thành phố Châu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc. Những admin của nhóm thậm chí còn đăng lên tài khoản cá nhân để lôi kéo nhiều người tham gia dùng thử và đánh giá sản phẩm, cũng như quy trình để nhận hoàn tiền thông qua PayPal.

Nguồn: CNET

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/ben-trong-mot-nhom-facebook-chuyen-tao-ra-nhung-review-gia-mao.3350252/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *